FAO cho biết sản lượng lương thực của các nước xuất khẩu năm 2007 nhìn chung đạt thấp. Do vậy, giá lương thực - đã tăng mạnh từ năm 2006 tiếp tục tăng với tốc độ cao hơn trong năm 2007. Giá các loại thực phẩm chăn nuôi và sữa đều tăng. Giá ngũ cốc tăng đang là nguyên nhân chính đẩy lạm phát giá lương thực phẩm tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới. Cùng với chi phí vận tải tăng mạnh, các nước sẽ phải chi phí nhiều hơn cho việc nhập khẩu lương thực, thậm chí có thể họ sẽ phải giảm bớt khối lượng nhập khẩu.
Ở một số loại ngũ cốc, cung thiếu hụt rất nhiều so với cầu từ mấy năm gần đây, trong khi nhu cầu không ngừng tăng nhanh, không chỉ để làm lương thực mà còn trong ngành công nghiệp. Kết quả là dự trữ ngũ cốc thế giới vốn đã thấp nay ngày càng giảm vì sản lượng nhiều loại thậm chí không đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo FAO, giá dầu mỏ tăng lên là nguyên nhân chính đẩy giá nông sản tăng bởi nó làm tăng chi phí đầu vào. Cũng vì giá dầu tăng nên nhu cầu sử dụng nông sản làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học cũng tăng lên, và dẫn tới tình trạng thiếu cung một số loại nông sản. Nhu cầu những nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến, nhất là đường, ngô, hạt cải, đậu tương, dầu cọ và các loại hạt có dầu khác, và lúa mì sẽ tăng trong những năm tới.
FAO nhấn mạnh năm nay và các năm tới, nguồn cung của hầu hết các loại lương thực đều thấp hơn so với những năm gần đây, trong khi nhu cầu lương thực, cả cho tiêu dùng lẫn sản xuất công nghiệp đều tăng. Do sản lượng lương thực của năm nay chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của thế giới nên dự trữ lương thực sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp từ đầu vụ.
Năm 2007, sản lượng lương thực toàn cầu ước tính tăng 4,3%, đạt mức kỷ lục 2,82 tỷ tấn.
Sản lượng lúa mỳ tăng đáng kể do có sự phục hồi sản xuất của một số nước xuất khẩu lúa mỳ chủ yếu, tăng 4,8% đạt 626 triệu tấn. Sản lượng gạo có thể đạt 423 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với năm 2006. Sản lượng các loại ngũ cốc phụ (trừ lúa mỳ và thóc gạo) tăng 5,6%, đạt 1,033 tỷ tấn. Sản lượng ngô tăng mạnh nhất trong năm nay do mùa ngô bội thu ở các nước Nam Mỹ. Tại nhiều khu vực khác như Viễn Đông, Cận Đông... sản lượng lúa mỳ và lúa gạo là khả quan. Mexico và một số nước ở Trung Mỹ và vùng Caribe cũng bội thu mùa lúa mỳ. Ở miền đông châu Phi, sản lượng lúa mỳ tăng, tình hình cung cấp lương thực được cải thiện. Tuy nhiên tại khu vực này, hàng triệu người vẫn phải sống phụ thuộc vào viện trợ lương thực. Nhu cầu dầu thực vật thế giới, bao gồm dầu đậu tương, sẽ tăng 4,1% đạtkỷ lục 114,3 triệu tấn trong năm marketing bắt đầu từ 1/10, so với 109,8 triệu tấn của năm ngoái. Dự trữ dầu thực vật thế giới sẽ giảm 3,9% xuống 7 triệu tấn, hay 6,1% mức tiêu thụ.
Mặc dù sản lượng lương thực tăng 2,8% trong năm qua, nhưng Trung Quốc vẫn luôn phải đối phó với tình trạng thiếu lương thực. Chính phủ nước này hiện đang nỗ lực tăng cung lương thực và năng lượng để làm giảm tốc độ tăng lạm phát. Sản lượng đậu tương Trung Quốc năm nay có thể giảm 12% xuống 14,3 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ 1999, do diện tích trồng đậu tương giảm xuống và do hạn hán. Tiêu thụ dầu đậu tương, dầu hạt cải và dầu lạc của Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ tăng 20% so với năm ngoái, khiến nhập khẩu 4 loại dầu nấu sẽ đạt kỷ lục 3 triệu tấn. Giá tiêu dùng của nước này đã tăng 6,5% trong tháng 10 so với cùng tháng năm ngoái, trong đó giá dầu thực vật đã tăng 34% do thiếu cung. Lúc này, người dân Trung Quốc phải chi trên 35% thu nhập của mình chỉ cho lương thực phẩm. Chính phủ Trung Quốc cho biết, nước này sẽ thiếu 4,8 triệu tấn lương thực năm 2010, tương đương 9% nhu cầu tiêu thụ lương thực trong nước. Những năm tới, Trung Quốc phải nhập khẩu số lượng lớn lương thực mới có thể đáp ứng nhu cầu trong nước.
Ấn Độ -nước đông dân thứ 2 thế giới, có thể sẽ trở thành nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ Sharad Pawar cho biết, khả năng tự cung cấp lương thực của nước này là hơn 211,3 triệu tấn. Với dân số hơn một tỷ người, đến năm 2011, Ấn Độ cần tới 254,9 triệu tấn lương thực, thiếu hụt khoảng 20 triệu tấn so với khả năng sản xuất trong nước.

Nguồn: Vinanet