Doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu như dệt may, gỗ, nhựa, giấy... đang đối mặt với khó khăn do giá nguyên liệu tăng
Theo Bộ Công Thương, giá nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh như giá bông tăng 25%, sợi tăng 34%, gỗ nguyên liệu tăng 25%-30%, chất dẻo tăng 43,7%... Nguyên nhân tăng giá là do thị trường thế giới phục hồi, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu cho sản xuất tăng trở lại.
 
Giá nguyên liệu tăng đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), trong đó khó khăn nhất hiện nay là các DN dệt may vì đây là ngành phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu lên đến 80% - 90%.
 
Bông xơ là nguyên liệu tăng giá mạnh nhất. Hiện giá bông thế giới lên đến 1,9 USD/kg, tăng 1,4 USD/kg so với đầu năm và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và chưa có dấu hiệu chững lại khi mới đây, Ấn Độ cấm xuất khẩu bông xơ để bảo vệ ngành dệt may trong nước. Vải nhập cũng tăng giá từ 10% - 20%.
 
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt may Việt Thắng cho biết tính từ đầu năm đến nay, mỗi tháng, sợi đều tăng giá khoảng 10%, trong đó tăng mạnh nhất là sợi visco hiện hơn 2,7 USD/kg, sợi cotton lên 1,6 USD/kg.
 
Bên cạnh việc tăng giá, các DN dệt may đang rất lo lắng khi các đối tác sản xuất và kinh doanh sợi giao hàng chậm trễ nên càng khan hiếm nguyên liệu hơn khiến DN rất khó chủ động sản xuất...
 
Nhiều DN gỗ cũng đang “đau đầu” vì nguyên liệu gỗ tăng giá. Theo các DN chế biến gỗ xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, giá gỗ nguyên liệu tăng khoảng 20%, còn gỗ thông nhập từ New zealand tăng đến 40% so với cùng kỳ năm trước, hiện khoảng 255 USD/m³...
 
Trong khi đó, giá hàng hóa xuất khẩu lại không thể tăng do phần lớn các DN đã chốt giá bán ngay khi ký hợp đồng xuất khẩu cách nay khoảng nửa năm. So sánh giá nguyên liệu nhập khẩu cho thấy mức tăng thấp nhất là 25%, trong khi giá xuất khẩu sản phẩm dệt may, gỗ và nhựa chỉ tăng từ 5%- 20% nên nhiều DN rơi vào tình trạng càng sản xuất càng lỗ.
 
Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Kim Sơn, cho hay: Đơn vị đang thực hiện hợp đồng sản xuất kệ rượu di động và bàn ghế ngoài trời cho một đối tác ở Đức. Hợp đồng mới ký cách đây 3 tháng nhưng đến nay, dù đã tiết giảm chi phí sản xuất tối đa đơn vị cũng chỉ hòa vốn. Đơn hàng này sẽ hoàn tất vào cuối tháng 9, từ nay đến thời điểm đó nếu nguyên liệu gỗ còn tăng giá, DN sẽ bị lỗ nặng.  
 
Thị trường trong nước cũng ảnh hưởng
Tương tự, các DN sản xuất cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước cũng bị ảnh hưởng nặng khi giá nguyên liệu tăng. Đối với ngành nhựa, việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ 52 thị trường trên thế giới đặt nhiều DN trong tình hình hết sức khó khăn.
Chỉ trong quý I, VN nhập tổng khối lượng chất dẻo nguyên liệu lên đến 97.300 tấn, khoảng 153 triệu USD, tăng 12,4% về khối lượng nhưng trị giá lại tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước.
 
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Sam Phú cho biết: Công ty đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất, mỗi năm cần khoảng 1.000 tấn bột nhựa nguyên liệu nhưng giá tăng mạnh như hiện nay khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Hiện giá bột nhựa nguyên liệu lên đến 1.020 USD/tấn, cao hơn thời điểm năm trước trên 300 USD/tấn. Nếu giá nhựa nguyên liệu tiếp tục leo thang, các DN buộc phải tính toán lại giá bán trong nước với mức tăng tương ứng.
 
Giá nguyên liệu bột giấy nhập khẩu cũng đang tăng chóng mặt, khoảng 1.000 USD/tấn (tăng gấp đôi so với cùng kỳ). Nhiều DN sản xuất tập vở học sinh cho biết: Hiện đang là mùa cao điểm chuẩn bị hàng hóa cho năm học mới nhưng giá giấy viết nhập khẩu lên đến 1.250 USD/tấn buộc DN phải tăng giá bán.
 
Một số loại tập vở học sinh đã tăng giá từ 250 đồng – 500 đồng/quyển. Theo Giám đốc Công ty Bao bì Bình Minh, giữa tháng 5, DN đã phải tăng giá bán lên 5%, nếu không tăng phải ngưng sản xuất vì giấy loại đã qua sử dụng nhập khẩu giá cũng đã lên đến 300 USD/tấn, tăng hơn 220 USD/tấn so cùng kỳ năm 2009...
 
Một số DN may mặc, bánh kẹo và thực phẩm cũng đang tính toán lại giá bán do tác động của nguyên liệu nhập khẩu với mức tăng xấp xỉ 10% và có thể áp dụng ngay trong quý II này.
 
Giải pháp vẫn trên giấy
Không là vấn đề mới nhưng theo các DN sản xuất, bài toán nguyên liệu trong nước vẫn là giải pháp duy nhất giúp các DN chủ động nguồn nguyên liệu.
Mỗi lần giao ban xuất khẩu, các hiệp hội ngành nghề, các DN đều thắc mắc về đề án xây dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ triển khai quá chậm. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cũng nhìn nhận: Dù đã nhiều lần lấy ý kiến của các bộ ngành về đề án xây dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng đến nay vẫn chưa có được ý kiến thống nhất.
Theo các hiệp hội ngành nghề và các DN, rất khó kêu gọi đầu tư vào dự án công nghiệp phụ trợ vì đây là ngành ít lợi nhuận. Vì vậy, cần phải có sự giúp đỡ của Nhà nước mới mong đề án đi vào hiện thực.
 

Nguồn: Hà Nội mới ngày