Gần cuối năm, thị trường xuất khẩu các loại mặt hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn đã tạo ra một lực kéo giá lao dốc mạnh, trong đó, có sản phẩm đã giảm giá đến 60-70% so với với mức kỷ lục.

Giá giảm 70%

Sau một thời gian dài giá dừa khô tại Tiền Giang và Bến Tre - những địa phương có diện tích trồng dừa cao nhất cả nước liên tục lập những kỷ lục về giá, thì hiện giá đã giảm rất mạnh đến 60-70% so với mức giá cách đây khoảng 1 - 2 tháng.

Tại ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, dừa khô loại 1 (trái có trọng lượng từ 1,1 kg/trái trở lên, đã lột vỏ) giá chỉ còn 6.500 đồng/trái; loại 2 từ 900 gam đến dưới 1,1 kg/trái có giá 4.500 đồng/kg; loại 3 chỉ còn 3.000 đồng/trái (đây là mức giá mua tại vựa). Đặc biệt, đối với trường hợp mua chục, mỗi chục dừa (12 trái) có giá chỉ còn 50.000-55.000 đồng/chục, giảm khoảng 70% so với mức giá đỉnh được xác lập hồi cuối tháng 10.

Gần đây, giá thanh long trái mùa tại huyện Chợ Gạo, Tiền Giang - vùng chuyên canh thanh long lớn nhất ĐBSCL cũng liên tục rớt giá. Cụ thể, đối với thanh long loại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (trái có trọng lượng 300 gam trở lên, da bóng đẹp) chỉ còn 10.000-11.000 đồng/kg, giảm 7.000-8.000 đồng/kg; loại xô chỉ còn 2.500-3.000 đồng/kg, dù giá giảm mạnh nhưng sức tiêu thụ vẫn rất yếu.

Tại huyện Bình Tân, Vĩnh Long, giá khoai lang tím Nhật đã giảm khoảng 60-70% so với mức giá đỉnh 1-1,2 triệu đồng/tạ (tạ 60 kg) đã được xác lập cách đây không lâu. Theo đó, khoai lang tím Nhật hiện chỉ còn dao động quanh mức 400-500 ngàn đồng/tạ.

Riêng mặt hàng thủy sản, so với mức giá cách đây khoảng 1 tháng, hiện giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL đã giảm khoảng 3.000-4.000 đồng/kg, xuống mức giá 25.000-26.000 đồng/kg đối với cá tra thịt trắng, có trọng lượng từ 0,8-0,9 kg/con; cá tra thịt vàng chỉ còn 24.000-24.500 đồng/kg, cá biệt có nơi chỉ còn 21.000-22.000 đồng/kg.

Tại Tiền Giang, so với mức giá kỷ lục, hiện giá vú sữa nâu và vú sữa lò rèn cũng giảm khoảng 70%.

Xuất khẩu gặp khó

Nguyên nhân giá nhiều loại mặt hàng nông, thủy sản rớt mạnh, do thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn do vào thời điểm cuối năm.

Hiện Trung Quốc ăn hàng rất ít (nhập khẩu thanh long) do đang trong mùa đông nên sức mua của họ yếu vì vậy ảnh hưởng đến thị trường nội địa. Riêng thị trường Mỹ, từ đầu tháng 12 đến nay, hầu như họ đã không còn nhập nữa do lo ngại an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản phẩm dừa khô của Việt Nam được tiêu thụ ở Trung Quốc chiếm đến 70-80% khối lượng, nhưng gần đây xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm đáng kể nên giá xuống nhanh như vậy.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh là do hiện tại nguồn cá tra nguyên liệu đã tăng trở lại, trong khi đó thị trường nhập khẩu ở Châu Âu đã chựng lại do tác động từ những biến động của đồng euro, vì vậy các nhà nhập khẩu đang xem xét thị trường diễn biến như thế nào mới tính tiếp.

Cụ thể, theo Vasep, khối lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường EU - thị trường quan trọng trong tiêu thụ cá tra phi lê của Việt Nam có xu hướng giảm mạnh trong 2 tháng gần đây là nguyên nhân làm giá nguyên liệu thị trường nội địa biến động theo.

 (KTSG)

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn