Khả năng giá sữa còn giảm thêm khi thị trường nguyên liệu sữa đón nhận sự quay trở lại của nhà cung cấp Ấn Độ với mức giá chỉ 3.400-3.500 USD/tấn.
Nguyên nhân chính của đợt giảm giá này là do sức tiêu thụ sữa trên thị trường giảm mạnh với mức giảm khoảng từ 30%- 50%, thậm chí có đơn vị giảm đến 70%.Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sữa bột trên thế giới trong những tháng vừa qua liên tục giảm mạnh, nguyên liệu sữa béo nguyên kem từ 5.400 USD/tấn giảm còn 3.600 USD/tấn, sữa gầy từ 5.100 USD/tấn còn 3.300 USD/tấn.
Tuy nhiên, giá mặt hàng sữa thành phẩm trên thị trường Việt Nam hầu như vẫn giữ nguyên, thậm chí có một số doanh nghiệp còn tăng giá bán. Hiện thị trường sữa bột, dòng sữa dành cho các bé dưới 1 tuổi luôn có giá bán đắt nhất. Theo một nhân viên nghiên cứu thị trường lâu năm, các hãng sữa chỉ tập trung quảng cáo cho loại sữa đắt tiền dựa vào tâm lý “sữa đắt nhất là sữa tốt nhất”. Đây cũng chính là dòng sản phẩm bị tăng giá mạnh nhất. “Mặc dù số lượng loại sữa này bán ra không bằng các sản phẩm khác nhưng lợi nhuận thu được lớn hơn gấp nhiều lần. Đồng thời việc tăng giá sản phẩm loại này cũng mở đường cho việc tăng giá các sản phẩm khác” - một nhân viên trong ngành sữa tiết lộ. Vì vậy, không ít doanh nghiệp đã đua nhau để chiếm vị trí sữa đắt nhất.
Dự đoán, do nhu cầu tiêu thụ giảm sút và sản lượng gia tăng, giá sữa thế giới có thể giảm dần trong năm tới. Giá sữa quốc tế được dự đoán sẽ tiếp tục rời khỏi những mức cao đỉnh điểm đạt được vào đầu năm nay nhờ nguồn cung được mở rộng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ sẽ vẫn đủ mạnh để giữ cho giá sữa quốc tế khỏi trở lại mức thấp như trước năm 2006. Theo dự đoán của Bộ Nông Nghiệp New Zealand-nhà sản xuất sữa lớn thứ 8 thế giới giai đoạn 2008-2007, với sản lượng sữa chiếm 2,2% sản lượng sữa toần cầu, tác động của nạn hạn hán tới ngành sản xuất sữa dịu bớt sẽ làm cho sản lương sữa của New Zealand và Australia tăng. Ngoài ra, sản lượng sữa cũng tăng lên ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Mỹ.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp