Thời điểm hiện nay, giá nhiều loại lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức trên 4000đồng/1kg. Tuy nhiên, do trước đó giá lúa đang từ rất thấp, khi nhích lên 3500đồng - 3600đồng/1kg, nông dân đã bán hết vì sợ giá lúa giảm trở lại.
Giá lúa tăng, nông dân hầu như không còn lúa để bán
Giá lúa gạo tại nhiều tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện tăng thêm 200-300 đồng/kg so với cuối tuần trước. Tại Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL, giá các loại lúa tròn và dài lỡ hiện ở mức 3.800-4.000 đồng/kg, lúa dài 3.900 - 4.100 đồng/kg. Giá gạo lức nguyên liệu loại 5 - 25% tấm dao động ở mức 5.050 - 5.500 đồng/kg, tùy loại; gạo trắng thành phẩm 6.100 - 6.400 đồng/kg.
Vào đầu tháng 7/2010, giá các loại gạo lức nguyên liệu xuất khẩu phổ biến 4.300 - 4.700 đồng/kg. Còn giá nhiều loại lúa tròn và dài lỡ vụ hè thu 2010 phơi, sấy khô chỉ ở mức 3.000 - 3.100 đồng/kg, lúa hạt dài vụ hè thu 2010: 3.200 - 3.300 đồng/kg và lúa dài cũ vụ đông xuân 2009 - 2010 khoảng 3.800 đồng/kg. Chỉ hơn 2 tuần sau khi các doanh nghiệp thực hiện việc thu mua lúa hè thu 2010 tạm trữ, giá nhiều loại lúa gạo đã tăng tổng cộng khoảng 700 - 800 đồng/kg. Hoạt động thu mua được đẩy mạnh đã giúp cho nhà nông dễ dàng tiêu thụ được lúa, do sợ giá lúa giảm trở lại, nên nhiều nhà nông đã bán lúa với giá 3.500 - 3.600 đồng/kg. Đến thời điểm này, khi giá nhiều loại lúa vọt lên ở mức trên 4.000 đồng/kg, thì phần lớn nhà nông đã không còn lúa để bán. Trong khi đó, một số nông dân có điều kiện còn tích trữ được lúa lại thì đang chờ giá tăng thêm, chưa muốn bán ra.
Các doanh nghiệp đã thu mua tạm trữ trên 400.000 tấn gạo các loại
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ hè thu này, sau hơn nửa tháng thực hiện, các doanh nghiệp đã thu mua tạm trữ được trên 400.000 tấn gạo các loại. Nhìn chung, giá gạo mua tạm trữ đã tăng lên, có lợi cho nông dân sản xuất vụ lúa hè thu 2010, giá sàn thu mua ở loại lúa giống IR 50404 là từ 3.950 đồng đến 4.000 đồng/kg, đối với lúa khi xay xát thành phẩm gạo đạt chuẩn về độ ẩm để xuất khẩu.
Cũng theo chỉ tiêu phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp thành viên tại thành phố Cần Thơ sẽ thu mua tạm trữ 95.000 tấn gạo, trong thời gian từ 15/7 đến 15/11/2010. Bên cạnh việc thu mua gạo lức nguyên liệu và các loại gạo trắng thành phẩm, một số doanh nghiệp còn tổ chức thu mua lúa cho nông dân. Cùng với các điểm thu mua chính, cố định tại các xí nghiệp và tại kho, nhiều doanh nghiệp còn tổ chức thêm nhiều chốt, trạm thu mua lúa gạo lưu động.
Hiện lượng lúa hàng hóa trong dân đang giảm mạnh so với tháng trước, giá lúa gạo nhích lên hàng ngày, người dân thấy giá lúa tăng có xu hướng trữ lại chờ giá đang gây khó khăn cho hoạt động thu mua tạm trữ của các doanh nghiệp. Theo Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu thì Công ty được phân bổ thu mua tạm trữ 20.000 tấn. Từ ngày 15/7/2010, công ty đã triển khai thêm nhiều chốt, trạm thu mua lúa gạo lưu động tại các huyện thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang. Tính đến cuối tháng 7/2010, công ty đã thu mua tạm trữ được hơn 6.000 tấn quy gạo. Dự kiến trong tháng 8 này, công ty hoàn thành xong chỉ tiêu thu mua tạm trữ mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam giao và bước sang tháng 9 công ty sẽ xin chủ trương của Hiệp hội cho mua tạm trữ thêm 10.000 tấn gạo nữa”.
Bà Trần Thị Kim Huyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mê Kông, cũng cho biết: Khả năng công ty sẽ hoàn thành được chỉ tiêu mua tạm trữ 10.000 tấn quy gạo ngay trong tháng 8/2010”.
Như vậy, sau 2 tuần thực hiện thu mua tạm trữ, các doanh nghiệp được giao chỉ tiêu đã thu mua tạm trữ tại thành phố Cần Thơ đã thu mua tạm trữ được hơn 50.548 tấn quy gạo. Có thể nói, giá nhiều loại lúa gạo hiện đã vọt lên ở mức trên 4.000 đồng/kg đã giúp nông dân có lãi trong sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, đa số nông dân chưa được hưởng mức giá này. Nguyên nhân do đa phần những hộ nông dân nghèo, không có điều kiện trữ lúa hiện đã không còn lúa để bán. Bên cạnh đó, do phải bán lúa qua các trung gian nên nông dân cũng chưa được hưởng mức giá cao nhất. Vấn đề đặt ra là các ngành chức năng ở Trung ương cần có chính sách lâu dài cho việc tạm trữ lúa gạo vào những thời điểm rộ mùa và nên có sự chủ động trước trong việc tạm trữ lúa gạo cho các năm tới.
Nông dân Tiền Giang thu hoạch dứt điểm gần 40.000 ha lúa hè thu sớm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch dứt điểm gần 40.000 ha lúa hè thu sớm an toàn trước mưa bão, năng suất bình quân 55,2 tạ/ ha và sản lượng đạt trên 219.000 tấn lúa, vượt gần 4% chỉ tiêu và tăng hơn 3,5% so vụ hè thu sớm năm 2009.
Do chính sách hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho nông dân được Nhà nước ban hành kịp thời thông qua thu mua tạm trữ, nên giá lúa hè thu sớm trong những ngày gần đây tăng khá. Lúa có giá, bà con phấn khởi. Hiện lúa IR 50404 trên địa bàn tỉnh có giá khoảng 3.650 đ/kg, tương đương 70.000 đ - 73.000 đ/giạ (20 kg). Lúa hạt dài chất lượng tốt giá từ 4.000 đ - 4.100 đ/kg, tức khoảng 80.000 đ - 82.000 đ/giạ.
Vụ hè thu sớm 2010 đối với nông dân Tiền Giang là trúng mùa trong tình hình khô hạn kéo dài, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng và diễn biến thời tiết bất lợi. Để bảo đảm sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh đã huy động bà con ra quân làm thủy lợi nội đồng, tập huấn và hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất, khuyến cáo nông dân sử dụng hợp lý bộ giống lúa chất lượng tốt, đáp ứng được thị trường xuất khẩu, đồng thời cơ giới hóa các khâu sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa.

Nguồn: Tin kinh tế hàng ngày