Giá vàng và USD tăng cao trong những ngày qua đã khiến nhiều người dân, đặc biệt là người bệnh lo lắng giá thuốc theo đó cũng sẽ tăng cao. Thực tế gần đây cho thấy, hầu như trong báo cáo hằng tháng của Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mức tăng trung bình của thuốc nội cũng như thuốc ngoại đều khoảng 5%.
Giá thuốc nhập vào cao hơn giá đang bán
Theo nhiều nhà thuốc bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, đầu tuần qua họ đã nhận được một số thông báo điều chỉnh giá thuốc và thực phẩm chức năng của các nhà phân phối. Điều chỉnh mạnh nhất là một số thuốc như: Cerebrolysin 10ml, Cerebrolysin 5ml (thuốc thuộc nhóm dinh dưỡng thần kinh), Viatril.S (trị bệnh khớp), Tegretol 200mg hộp (chống động kinh), thuốc tiêm giảm đau Voltaren, thực phẩm chức năng Estromineral..., ngoài một số thuốc được điều chỉnh tăng khoảng 5.000 đồng thì giá nhiều loại thuốc khác nhập vào cũng tăng phổ biến từ 10.000 - 30.000 đồng mỗi hộp. Thuốc điều chỉnh tăng giá đợt này hầu hết là thuốc nhập khẩu, trong khi bản thân các thuốc này vốn đã giữ giá rất cao, chẳng hạn như Viatril.S khoảng 400.000 đồng/hộp; Voltaren: 95.000 đồng/hộp 5 ống.
Tại hiệu thuốc Trần Phương, phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), kháng sinh dành cho trẻ em như Ceclor 125mg, Augmentin, Zinnat... được điều chỉnh tăng giá từ 3.000- 7.000 đồng/hộp trong một vài ngày qua. Tình trạng tăng giá thuốc đã xuất hiện nhiều tháng qua nhưng tăng theo kiểu "rả rích" và đến đầu tháng 11 này thuốc ào ào tăng giá. Có những loại thuốc giá mới nhập vào còn cao hơn cả giá mà hiệu thuốc đang bán.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế, giá thuốc đã được kiểm soát và duy trì ở mức tương đối ổn định. So với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhóm hàng dược phẩm y tế đều thấp hơn so với chỉ số CPI của nhiều nhóm hàng khác. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, thị trường thuốc không gây "sốc" về sự tăng đột biến như năm trước nhưng thuốc tăng giá vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn thuốc giảm giá. Mới đây nhất, từ ngày 1-11, nhiều hãng thuốc đã gửi thông báo tăng giá đến nhà bán lẻ, trong đó có những sản phẩm tăng tới… 54% và nguyên nhân tăng giá có liên quan đến thay đổi tỷ giá ngoại tệ. Với tình hình tỷ giá ngoại tệ nhiều bất ổn như hiện nay, chắc chắn giá thuốc sẽ có biến động.
Khó quản lý giá thuốc với các quy định hiện nay
Đây là đánh giá của Bộ Y tế trong buổi giải trình về quản lý nhà nước về giá thuốc với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội mới được tổ chức tại Hà Nội. Theo bà Trịnh Thị Lê Trâm, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Luật Dược 2005 và các nghị định, thông tư hướng dẫn đã quy định cơ quan chức năng phải công bố giá thuốc tối đa 6 tháng - 1 năm/lần, nhưng đến nay sau 5 năm có luật, giá thuốc tối đa vẫn chưa được công bố, trong khi Philippines có điều kiện tương tự Việt Nam đã công bố được giá tối đa 5 nhóm dược phẩm!
Bên cạnh đó, quy định công bố giá thuốc cùng loại ở các nước có điều kiện tương tự Việt Nam đến nay cũng chưa làm được. Theo các chuyên gia, quy định này do Bộ Y tế xây dựng, nhưng đến nay bộ cho rằng cần sửa chữa. Quy định đấu thầu thuốc vào bệnh viện hiện giống với quy định đấu thầu xây dựng, khó kiểm soát giá thuốc đấu thầu (nhiều mặt hàng giá đấu thầu cao hơn giá thị trường) do thuốc là mặt hàng đặc thù. Vì thế, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng nghị định về đấu thầu thuốc, quý III-2011 sẽ trình Chính phủ.
Tại buổi làm việc với cơ quan của Quốc hội kể trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đề xuất, nên cho sửa Luật Dược và chuyển chức năng quản lý giá thuốc về Bộ Tài chính. Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc có sửa luật hay không phải chờ nhiệm kỳ Quốc hội mới, nhưng từ nay đến đó, Bộ Y tế tiếp tục quản lý giá thuốc, nhanh chóng sửa các quy định liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này. Theo bà Trương Thị Mai, nếu Bộ Y tế làm "sát sàn sạt", chắc chắn sẽ quản lý được giá thuốc bệnh viện, chỉ khó khăn ở khâu quản lý giá thuốc ở thị trường tự do.

Nguồn: Tin nhanh hàng ngày