Bên cạnh đó, sự tăng giá vào cuối tuần của đồng USD so với euro và Bảng Anh do Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh cắt giảm lãi suất cơ bản ở mức cao “chưa từng có” cũng đã tạo áp lực giảm giá vàng và dầu.
Sau khi giảm mạnh xuống 730 USD/ounce vào cuối tuần trước, giá vàng đầu giờ sáng 10/11 (giờ Việt Nam) vẫn đang dao động xung quanh ngưỡng 735 USD.
Tính tới 6h ngày 10/11, giá vàng châu Á tăng nhẹ trở lại và lên gần 737 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô giao tháng 12 trên sàn New York vẫn quay quanh mức 60 USD/thùng.
Cụ thể, tính tới 6h ngày 10/11, giá dầu châu Á đứng ở mức 61,04 USD/thùng.
Sự lo ngại về suy thoái kinh tế thế giới lại mạnh trở lại hơn bao giờ hết sau khi Mỹ công bố tỷ lệ thất nghiệp và chỉ số ngành dịch vụ tháng 10/2008 ở mức thấp đáng thất vọng vào cuối tuần trước. Trong khi đó, các nền kinh tế khác bao gồm Trung Quốc cũng đã chứng kiến tốc độ tăng giảm rất mạnh.
Biểu hiện rõ nét nhất về lo ngại nền kinh tế thế giới là các nước khu vực châu Âu đã đồng loạt phải cắt giảm lãi suất cơ bản. Trước đó, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc và một loạt các nước khác cũng đã cắt giảm lãi suất ở mức chưa có tiền lệ.
Hiện tại các nước thuộc nhóm G20 đang kêu gọi cùng chung tay cắt giảm lãi suất và bơm thêm tiền cho các ngân hàng để kiềm chế cuộc khủng hoảng tài chính. Trong khi đó, Trung Quốc vừa công  bố kế hoạch chi 586 tỷ USD để khôi phục đà phát triển kinh tế trong bối cảnh thế giới đang suy thoái.
Chứng khoán châu Á mở cửa phiên đầu tuần tiếp tục giảm rất mạnh với chỉ số Nikkei của Nhật tính tới 6h10 ngày 10/11 (giờ Việt Nam) đang giảm 316,14 xuống 8,583 điểm, chỉ số Topix cũng đang giảm 3,33%.
Trước đó, chứng khoán thế giới đã giảm rất mạnh trong 2 phiên Thứ Tư và Thứ Năm tuần trước.
Theo một số chuyên gia, đồng USD có thể giảm giá nhẹ so với euro vào giữa tuần này nhưng sau đó sẽ tăng trở lại do kinh tế châu Âu vẫn đang rất khó khăn. Nền kinh tế nhìn chung chưa thể thoát ra được cuộc khủng hoảng trong khoảng một năm nữa do vậy nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn sẽ thấp. Giá vàng cũng khó tăng mạnh cho dù sắp tới mùa cao điểm tiêu thụ do thị trường chứng khoán còn chao đảo mạnh.
Mặc dù vậy, giá dầu cũng khó giảm tiếp do OPEC có khả năng cắt giảm sản lượng để duy trì dầu ở mức giá “hợp lý” theo quan điểm của họ là 70-90 USD/thùng. Giá vàng cũng khó giảm bởi ở một mặt khác đây là một kênh đầu tư an toàn khi nền kinh tế không ổn định.
Theo giáo sư Joseph Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel kinh tế, chính quyền Obama sẽ cần ít nhất 18 tháng để khôi phục nền kinh tế đang suy thoái trong điều kiện mọi quyết định đều là hoàn hảo.

(VNN)

 

Nguồn: Internet