Thị trường xuất khẩu tiềm năng của mặt hàng này là các nước phát triển có sức mua lớn như Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Australia. Bên cạnh đó, còn có thể khai thác các thị trường có sức mua không lớn nhưng chấp nhận hàng hoá phù hợp với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Trung Đông, Châu Phi, Nam Á… Nga và các nước Đông Âu cũ…
Mặc dù đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu, nhưng ngành giày dép còn có những tồn tại chủ yếu là: gia công xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, công tác thiết kế, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu chưa thành công ở cả trong và ngoài nước.
Giải pháp cho ngành da giày:
Dù là những mặt hàng gia công là chủ yếu (trên 70%) nhưng đây là những ngành giải quyết được một lượng lao động to lớn (chỉ tính riêng dệt may đã có tới gần 3 triệu lao động) và cũng là ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất, nhì (dự kiến xuất khẩu 2008, dệt may 9,5 tỉ và giày dép 4,6 tỉ USD) nên cần có sự quan tâm phát triển những mặt hàng này, trong đó:
Hình thành chợ nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày để phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất của hai ngành này. Xem xét việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ nguyên phụ liệu cho dệt may, da giày.
Tăng cường tìm kiếm bạn hàng và ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp trên cơ sở tăng cường năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm và gia tăng tỉ lệ nguyên phụ liệu trong nước tự đáp ứng được. Đẩy mạnh khai thác những thị trường ngách, thị trường nhỏ nhưng chấp nhận mức giá cao và ưa thích các sản phẩm đặc thù…
Đầu tư cho việc nghiên cứu mẫu, mã, mốt thời trang quốc tế, nắm bắt kịp thời xu thế lớn trong ngành thời trang. Nhà sản xuất phải thể hiện được phong cách riêng với khách hàng, đa dạng hoá sản phẩm, phương thức kinh doanh.

Nguồn: Vinanet