Giá bông thế giới lên xuống thất thường từ đầu năm 2011 đến nay đặt các doanh nghiệp dệt may vào tình thế bất ổn vì đang phải phụ thuộc chính vào nguồn bông nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp đang nghiên cứu khả năng sử dụng các công cụ tài chính hiện đại để giảm thiểu rủi ro.

Tại thời điểm này, dù giá bông đã giảm xuống còn 3,5 – 3,7USD/kg, so với mức tăng đỉnh điểm đầu quý I là 5,2USD/kg, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể an tâm quyết định có mua bông dự trữ phục vụ sản xuất hay không do các thông tin về giá bông tới trên thị trường thế giới rất khác nhau.

Tình hình này đã được các chuyên gia trong ngành dự báo từ cuối năm ngoái. Tại Hội thảo về giá bông do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Hiệp hội Bông (Mỹ) tổ chức tháng 11/2010, chuyên gia kinh tế hàng đầu về bông, ông Jon Devine thuộc Tập đoàn Cotton Incoporated nhận định, giá bông sẽ diễn biến phức tạp trong ngắn hạn và cả dài hạn, do nguồn cung tại các quốc gia sản xuất lớn hạn chế, tình trạng đầu cơ gia tăng... “Các quốc gia phụ thuộc vào nguồn bông nhập khẩu lớn như Việt Nam cần cân nhắc thời điểm nhập khẩu bông thích hợp để giảm thiểu rủi ro, giữ chủ động trong sản xuất và ký kết các đơn hàng xuất khẩu”, ông Jon Devine khuyến nghị.

Tuy vậy, theo Vitas, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng lời khuyên này vì thiếu vốn, không đủ lực để dự trữ bông. Thông thường, doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu trước, sau đó mới nhập khẩu nguyên liệu. Với cách này, rủi ro do biến động giá nguyên phụ liệu rất lớn.

Thêm nữa, ông Trần Đăng Tường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam cho hay, so với may, ngành sợi có tỷ lệ lợi nhuận khá thấp nên nếu giá đầu vào cao, hoặc biến động lớn, doanh nghiệp sẽ khó giải bài toán giá thành và giá bán. “Giá bông tăng mạnh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt sợi vì bông chiếm đến hơn 70% giá thành sản phẩm sợi”, ông Tường phân tích.

Trong lúc này, nếu các công cụ tài chính, như các loại hình hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn bán, quyền chọn mua, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng mua với giá tối đa… được sử dụng hợp lý, doanh nghiệp sẽ không bị tác động khi giá bông biến động lớn.

TS. Gary Adams, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề kinh tế của Hội đồng Bông quốc gia Hoa Kỳ, khi tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng khuyến nghị, nên sử dụng các giải pháp quản trị rủi ro để tạo sự ổn định trong sản xuất và kinh doanh, tránh thua lỗ khi giá giảm sâu và đột ngột, giúp doanh nghiệp xác định được giá bán sợi trước vài tháng ngay cả khi chưa mua được bông, qua đó nâng cao được khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp…

Tuy nhiên, khó khăn khi sử dụng những giải pháp này cũng không ít, do vướng rào cản về ngôn ngữ, hạn chế về kỹ thuật sử dụng, phân tích thông tin và ra quyết định, đặc biệt là hạn chế về kỹ thuật sử dụng. Vì vậy, theo TS Gary Adams, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định lựa chọn các công cụ bảo hiểm giá bông để tránh “tiền mất tật mang”.

Theo số liệu của Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2011, lượng bông nhập khẩu đạt 185.000 tấn, tương đương 650 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2010, khối lượng không tăng nhiều, nhưng do giá bông tăng mạnh nên kim ngạch tăng thêm hơn 30%.

Ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam dự báo, nhiều khả năng kim ngạch nhập khẩu bông sẽ lên tới hơn 1 tỷ USD (với mức giá bông duy trì khoảng 3,4-3,5 USD/kg). “Tốc độ xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng tăng rất cao, đạt 6,1 tỷ USD, cao hơn 30% so với cùng kỳ, vì thế, lượng bông nhập khẩu theo tính toán cũng tăng thêm 10%”, ông Sơn nói.

Nguồn: Đầu tư

Nguồn: Vinanet