I. Thông tin chung:
    Đạo luật Nông nghiệp 2008 của Hoa Kỳ mang số hiệu H.R. 6124 có tên đầy đủ là “Đạo luật quy định về việc tiếp nối các chương trình nông nghiệp và các chương trình khác của Bộ Nông nghiệp (Hoa Kỳ) tới năm tài chính 2012, và quy định một số vấn đề khác”; và tên ngắn gọn là “Đạo luật về Thức ăn, Bảo tồn, và Năng lượng năm 2008” (Food, Conservation, and Energy Act of 2008).
    Đạo luật H.R. 6124 đã trải qua một quá trình tranh luận, dự thảo kéo dài gần 2 năm trong Quốc hội và Chính quyền Mỹ, được Quốc hội Mỹ thông qua vào đầu tháng 6/2008, sau đó bị Tổng thống phủ quyết (vì lý do Đạo luật duy trì những khoản trợ cấp và chi tiêu bất hợp lý), và lại được Quốc hội bỏ phiếu vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống để trở thành Luật công số 110-246 vào ngày 18/6/2008.
    Đây là một Đạo luật lớn dài gần 700 trang, gồm 15 Chương với hơn 600 Mục. Mỗi Chương quy định về một mảng vấn đề khác nhau, bao gồm: các chương trình hàng hóa, vấn đề dinh dưỡng, nghiên cứu, tín dụng, bảo tồn, thương mại, lâm nghiệp, năng lượng và nhiều vấn đề khác.
    Do Đạo luật lớn như vậy nên: (1) khi chưa có đầy đủ các văn bản hướng dẫn và chưa áp dụng trên thực tế thì chưa thể lường hết những khía cạnh nào của Đạo luật sẽ có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ; (2) không có một văn bản hướng dẫn đơn nhất cho toàn bộ Đạo luật. Thực tế, Đạo luật bao gồm nhiều Mục sửa đổi, bổ sung nhiều Đạo luật nhỏ khác nhau nên tùy vấn đề cụ thể sẽ có những cơ quan, Bộ ngành hữu quan của Hoa Kỳ ra văn bản hướng dẫn thực hiện. Có thể nói đây là một Đạo luật có phạm vi rộng và toàn diện, bao trùm đến nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy, phát triển và bảo vệ nền nông nghiệp của Hoa Kỳ.
    Tổng thể Đạo luật Nông nghiệp 2008 của Hoa Kỳ sửa đổi, bổ sung của các Đạo luật nhỏ như Đạo luật an ninh Lương thực , Đạo luật Lương thực vì hòa bình, Đạo luật Thương mại Nông nghiệp 1978, Đạo luật Lương thực vì sự tiến bộ năm 1985, Đạo luật An ninh và đầu tư Nông nghiệp 2002, Đạo luật Lương thực, Nông nghiệp, Bảo tồn và Thương mại năm 1990, Đạo luật thuế quan năm 1930 và nhiều Đạo luật khác.
    Ngày 22/8/2008 vừa qua, Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã công bố trang web so sánh Đạo luật Nông nghiệp 2008 với những quy định về nông nghiệp trước đó tại địa chỉ: http://www.ers.usda.gov/farmbill/2008/
    II- Tóm tắt nội dung các Chương của Đạo Luật: Gồm 15 chương
  - Chương 1: Các chương trình về hàng hóa
Gồm 66 mục, quy định về các vấn đề liên quan đến thanh toán, doanh thu, các khoản vay hỗ trợ marketing và thanh toán các khoản cho vay xấu, điều chỉnh các khoản cho vay và quy định về một số mặt hàng nông sản cụ thể như:
+ Đường (sugar): gồm chương trình về đường; Hoa Kỳ là thành viên của Tổ chức đường Quốc tế; các khoản cho vay hỗ trợ tích trữ…
+ Bơ sữa: gồm chương trình hỗ trợ giá sản phẩm bơ sữa, chương trình định giá bơ sữa, chương trình ưu đãi xuất khẩu đường; chương trình bồi thường do hư hỏng hàng hóa; chương trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm bơ sữa; báo cáo về các thủ tục của Bộ Nông nghiệp đối với sữa không béo; và vấn đề về quản lý (gồm các nội dung về quản lý chung, đình chỉ cơ quan hỗ trợ giá thường xuyên, hạn chế thanh toán, chương trình phát triển hạt lúa mỳ trắng, các khoản cho vay hỗ trợ tích trữ, hiện đại hóa cơ quan dịch vụ nông nghiệp, thu thập thông tin, cho thuê văn phòng, thực hiện, bãi bỏ…)
- Chương 2: Bảo tồn
Gồm 66 mục. Chương này đưa ra khái niệm liên quan đến chương bảo tồn của Đạo luật an ninh lương thực 1985, bao gồm các vấn đề về bảo tồn đất bị xói mòn và đầm lầy và các chương trình về bảo tồn (như hoạch định các khu vực ưu tiên bảo tồn, xử lý cỏ và rau đậu mọc nhiều năm, trách nhiệm của những người tham gia các hợp đồng bảo tồn, thanh toán các chi phí liên quan đến cây cối và cây chắn gió, những ưu đãi chuyển tiếp chương trình bảo tồn cho những người nông dân và người chủ trang trại khởi sự); và các chương trình bảo tồn đầm lầy; chương trình quản lý bảo tồn; bảo vệ đất nông nghiệp và đất hoang; chương trình ưu đãi chất lượng môi trường; các chương trình bảo tồn khác của Đạo luật an ninh lương thực 1985; cấp kinh phí và quản lý các chương trình bảo tồn (cơ quan tiếp nhận những đóng góp để hỗ trợ chương trình bảo tồn, hỗ trợ cho người nông dân và chủ trang trại để nâng cao việc tiếp cận các chương trình bảo tồn, hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn..); các chương trình bảo tồn theo các Luật khác.
Nhìn chung, chương này quy định những vấn đề về bảo tồn đất đai nông nghiệp và hoang dã cũng như các chương trình thực hiện vấn đề bảo tồn.
- Chương 3: Thương mại
            Gồm 37 mục. Chương này điều chỉnh bổ sung từ các Đạo luật sau:
            + Đạo luật lương thực vì hòa bình, quy định các nội dung về chính sách của Hoa Kỳ, viện trợ lương thực cho các nước đang phát triển, hỗ trợ thương mại và phát triển, việc sử dụng thanh toán tiền địa phương, cung cấp hàng hóa nông nghiệp, các mức hỗ trợ, nhóm tư vấn  trợ cấp lương thực, các điều khoản về quản lý, sự phối hợp các chương trình hỗ trợ nước ngoài.
            + Đạo luật Thương mại nông nghiệp 1978 và các quy chế có liên quan gồm các chương trình về bảo đảm tín dụng xuất khẩu, chương trình tiếp cận thị trường, chương trình thúc đẩy xuất khẩu, chương trình hợp tác phát triển thị trường nước ngoài
            + Đạo luật Lương thực vì sự tiến bộ 1985 gồm chương trình lương thực quốc tế giành cho giáo dục và dinh dưỡng trẻ em.
            Và một số nội dung khác về kinh doanh gỗ xẻ mềm, chương trình khai báo hải quan đối với nhà nhập khẩu gỗ xẻ mềm, phạm vi của chương trình khai báo hải quan đối với nhà nhập khẩu gỗ xẻ mềm; và nội dung thành lập và hoạt động của nhóm tư vấn để xóa bỏ việc sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức trong các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, được trình bày ở mục III phần này.
            - Chương 4: Dinh dưỡng
            Gồm 46 mục, quy định các nội dung về dãn nhãn lương thực, phân phối lương thực, dinh dưỡng trẻ em. Cụ thể: về đổi tên dãn nhãn lương thực, các hoạt động về giáo dục dinh dưỡng, sử dụng lợi ích của chương trình, các chương trình dinh dưỡng trẻ em, các dự án thí điểm để đánh giá sức khỏe và phát triển dinh dưỡng trong chương trình hỗ trợ dinh dưỡng; tuân thủ quyền dân sự, cấp kinh phí cho các chương trình lao động và đào tạo; chương trình hỗ trợ lương thực khẩn cấp, chương trình rau và quả tươi, các sản phẩm ngũ cốc, điều tra việc mua lương thực của các cơ quan cung cấp lương thực cho trường học và các nội dung khác. Một số chương trình được tóm tắt như sau để tham khảo về chính sách của Hoa Kỳ đối với chế độ dinh dưỡng:
            + Chương trình rau quả sạch: Đối với năm học bắt đầu từ tháng 7 năm 2008 và những năm học tiếp sau đó, Bộ Nông nghiệp sẽ cung cấp các khoản trợ cấp cho các Bang nhằm thực hiện các chương trình cung cấp miên phí rau quả sạch cho các trường tiểu học. Bộ trưởng sẽ cung cấp cho từng bang và Quận Columbia D.C một khoản trợ cấp thường niên tương đương 1% của những quỹ có sẵn trong năm để thực hiện chương trình này. Bộ trưởng sẽ đánh giá kết quả của  chương trình như việc tăng tiêu dùng rau quả, những thay đổi về chế độ ăn kiêng khác, như việc giảm tiêu dùng thực phẩm ít dinh dưỡng.
            + Những nguồn quỹ dành cho việc mua hoa quả, rau và hạt ngũ cốc để hỗ trợ cho chương trình bổ sung dinh dưỡng nội địa. Bộ trưởng Nông nghiệp sẽ mua các loại hoa quả, rau và ngũ cốc với mục đích cung cấp các loại thực phẩm dinh dưỡng để sử dụng trong chương trình hỗ trợ dinh dưỡng quốc gia, việc sử dụng các nguồn quỹ dành sẵn theo điều 32 của Đạo luật ngày 24/08/1935 (7 U.S.C 612c). Các loại hoa quả, rau và ngũ cốc có thể được mua theo điều khoản này dưới hình thức đông lạnh, đóng hộp, dạng sấy khô, hay hoa quả tươi, rau và ngũ cốc tươi, để phân phối cho các trường và các viện trên toàn quốc giành cho bữa trưa.
            - Chương 5: Tín dụng
            Gồm 23 mục, quy định về các khoản cho vay: nông nghiệp, hoạt động, khẩn cấp, tín dụng nông nghiệp; cụ thể về các vấn đề mức cho vay, đối tượng nhận vay, các ưu đãi bán hàng tồn kho…
            - Chương 6: Phát triển nông thôn
            Gồm 53 mục, bao gồm các vấn đề về nước, xử lý chất thải và viện trợ thiết bị xử lý nước thải; hỗ trợ tài chính xây dựng, xử lý rác thải và phục vụ hệ thống nước hộ gia đình ở khu vực nông thôn có thu nhập thấp; chương trình hiệu quả năng lượng, hỗ trợ điện nông thôn  và các vấn đề khác liên quan đến phát triển nông thôn.
            - Chương 7: Nghiên cứu và các vấn đề liên quan.
            Gồm 101 mục, bao gồm các vấn đề về nghiên cứu nông nghiệp quốc gia, giáo dục và tư vấn kinh tế, viện trợ cho 1890 trường học để mở rộng qui mô và khả năng, tăng cường các giải thưởng khoa học nông nghiệp và thực phẩm, hỗ trợ giáo dục khoa học nông nghiệp, các chương trình nghiên cứu sức khỏe và bệnh của động vật và các chương trình hỗ trợ thiết bị nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm của các trường đại học và các hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ khác.
            - Chương 8: Lâm nghiệp
            Gồm 25 mục, quy định các nội dung về bảo tồn lâm nghiệp của tư nhân, chiến lược phát triển nguồn lực lâm nghiệp quốc gia, các công nghệ phát triển nông thôn, chương trình bảo vệ rừng khẩn cấp, ngăn cấm các hoạt động đốn gỗ bất hợp pháp. Trong đó, có một số nội dung về chính sách được tóm tắt như sau để người đọc tham khảo:
            a) Đánh giá và chiến lược đối với nguồn lực lâm nghiệp: Đối với một bang có đủ tư cách pháp lý để nhận quỹ hỗ trợ của Đạo luật này thì cán bộ kiểm lâm hoặc quan chức nhà nước tương đương của bang đó sẽ thực hiện và trình lên Bộ trưởng Nông nghiệp, không chậm quá 2 năm sau ngày ban hành Đạo luật này việc đánh giá trên phạm vi toàn quốc về điều kiện nguồn lực lâm nghiệp, sự đe dọa đối với đất lâm nghiệp và các nguồn lực mà bang đó ưu tiên, bất kỳ khu vực nào hoặc Vùng nào của bang được ưu tiên và bất kỳ khu vực nào của bang là ưu tiên của vùng. Tại thời điểm Bộ trưởng xác định là cần thiết, cán bộ kiểm lâm hoặc quan chức nhà nước có liên quan sẽ cập nhật và đệ trình lên Bộ trưởng đánh giá mang tầm quốc gia và chiến lược quốc gia về nguồn lực lâm nghiệp.
            b) Chương trình lâm nghiệp và bảo tồn đất trống: Các dự án dịch vụ lâm nghiệp đến năm 2030, khoảng 44 triệu mẫu (tương đương 17.600.000 ha) đất rừng do tư nhân quản lý sẽ được phát triển khắp nước Mỹ. Các khu đất rừng quan trọng được quản lý bởi các cơ quan chính quyền địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận đang được chuyển cho các chủ đất tư nhân. Trên toàn nước Mỹ, các cộng đồng với quy mô khác nhau đang thu lợi về tài chính từ việc quản lý đất rừng thuộc quyền sở hữu bởi các tổ chức chính quyền địa phương đối với gỗ xẻ và các sản phẩm lâm nghiệp khác. Như vậy, các tổ chức chính quyền địa phương cần thúc đẩy các nguồn tài chính để mua các khu đất rừng quan trọng do tư nhân sở hữu khi các lô đất này được giao bán.
            Thực hiện chương trình bảo tồn đất trống và đất lâm nghiệp, Bộ Trưởng Nông nghiệp có thể quyết định cấp viện trợ cho các tổ chức có tư cách pháp lý để thu được đất lâm nghiệp tư nhân, đang bị đe dọa bởi việc chuyển đổi sử dụng đất phi lâm nghiệp và cung cấp lợi ích công đối với cộng đồng bao gồm lợi ích kinh tế thông qua việc quản lý lâm nghiệp được duy trì, lợi ích môi trường bao gồm nước sạch và dân cư hoang dã, lợi ích từ các chương trình giáo dục về lâm nghiệp, lợi ích từ việc phục vụ như là các mô hình quản lý lâm nghiệp có hiệu lực đối với các chủ đất tư nhân và lợi ích giải trí bao gồm săn bắn và câu cá.
            Một tổ chức pháp lý có thể nhận khoản trợ cấp theo Chương trình tương đương không quá 50% chi phí tiếp nhận một hoặc hơn một lô đất như đã được Bộ trưởng xác định.
            c) Ưu tiên quốc gia đối với bảo tồn lâm nghiệp tư nhân. Trong việc phân bổ quỹ hoặc vốn tự có theo Đạo luật này, Bộ trưởng sẽ tập trung vào các ưu tiên bảo tồn lâm nghiệp tư nhân quốc gia như: bảo tồn và quản lý đất lâm nghiệp; bảo vệ lâm nghiệp khỏi thảm họa thiên nhiên, sâu bệnh hoặc bùng phát dịch bệnh và bảo tồn các loại rừng để chống đỡ những mối đe dọa như vậy; tăng cường những lợi ích công cộng từ các rừng tư nhân bao gồm không khí và chất lượng nước, bảo tồn đất, đa dạng sinh học, lưu giữ chất cácbon…. Không muộn hơn 30 tháng 9 năm 2011, Bộ trưởng sẽ trình Quốc hội báo cáo miêu tả về các quỹ được sử dụng theo đạo luật này, và thông qua các chương trình khác được điều hành bởi Bộ trưởng, tập trung vào các ưu tiên quốc gia được quy định cụ thể như trên.
            d) Chương trình bảo tồn lâm nghiệp khẩn cấp: Bộ Trưởng có thể trả kinh phí cho người chủ đất lâm nghiệp tư nhân phi công nghiệp vì thực hiện những biện pháp khẩn cấp để duy trì và bảo tồn đất do bị phá hủy bởi thảm họa thiên nhiên. Chi phí hỗ trợ sẽ không vượt quá 75% tổng chi phí thực hiện các biện pháp khẩn cấp bởi chủ sở hữu lâm nghiệp tư nhân phi công nghiệp.
            e) Ngăn chặn các hoạt động đốn gỗ bất hợp pháp sẽ được trình bày ở mục III, phần này.
            Chương 9: Năng lượng gồm 3 mục nêu các vấn đề về năng lượng quốc gia, nghiên cứu cơ sở hạ tầng nhiên liệu.
            - Chương 10: Nghệ thuật trồng rau, hoa quả và nông nghiệp hữu cơ.
            Bao gồm 23 mục, gồm các vấn đề về thông tin và marketing về nghệ thuật trồng rau, hoa quả; đánh giá quá trình mua hàng hóa của Bộ Nông nghiệp; thúc đẩy sản phẩm nấm; nghiên cứu và thông tin tiêu dùng; quản lý dịch bệnh và các loài gây hại; giáo dục an toàn thực phẩm; bảo vệ thực vật; quỹ hỗ trợ giải quyết dịch bệnh và sâu bệnh và các vấn đề khác có liên quan.
            - Chương 11:  Gia súc
            Chương này gồm có 17 mục, chủ yếu quy định các vấn đề về dán nhãn xuất xứ đối với một số sản phẩm thịt và hạt; quan điểm của Quốc hội về việc ưu tiên cho chương trình xóa bỏ vi rút bệnh ở lợn và các loại gia cầm nhằm đảm bảo sản lượng trong nước và xuất khẩu; nội dung về bảo vệ động vật; nâng cao sự an toàn đối với thức ăn và các hoạt động khác về sức khỏe động vật.
            - Chương 12: Các chương trình bảo hiểm vụ mùa và hỗ trợ thảm họa.
 
            Chương này gồm 62 mục, gồm 3 phần chính: a) Bảo hiểm vụ mùa và hỗ trợ thảm họa gồm khái niệm về vụ mùa hữu cơ; các chi phí hành chính, bảo hiểm vụ mùa theo chương trình vụ mùa hữu cơ theo Đạo luật sản xuất lương thực hữu cơ 1990 và các hoạt động bảo hiểm, phạt hành chính nếu không bảo hiểm; hỗ trợ thảm họa nông nghiệp và thảm họa nghề cá; b) Thảm họa và biện pháp đối phó gồm các hoạt động phối hợp các chương trình hỗ trợ thảm họa; sự nhận thức chung về công bố thảm họa và thời hạn trình đơn hỗ trợ; các khoản cho vay đối với thảm họa ảnh hưởng đến kinh tế..; c) Cho vay đối với các thảm họa chủ yếu về các khoản cho vay, các chương trình hỗ trợ khẩn cấp.
- Chương 13: Hàng hóa giao sau
Chương này gồm 11 mục, quy định các vấn đề về giao dịch hàng hóa giao sau, các chế tài vi phạm, các hợp đồng về thỏa thuận, giao dịch hàng hóa và giá cả.
- Chương 14: Hỗn hợp
Chương này gồm 43 mục, quy định nhiều vấn đề mang tính hỗn hợp như hỗ trợ kỹ thuật đối với những người nông dân và chủ trang trại có khó khăn, ủy ban tư vấn nông dân thiểu số; vấn đề an ninh nông nghiệp gồm giới thiệu về hoạt động của Bộ an ninh nội địa đối với vấn đề an ninh nông nghiệp khẩn cấp như đối phó dịch bệnh, khủng bố nông nghiệp, đe dọa an ninh sinh học, thành lập trung tâm thông tin nhằm thu thập thông tin liên quan đến an ninh nông nghiệp, dịch bệnh khẩn cấp…, hỗ trợ xây dựng năng lực địa phương đối với việc xây dựng kế hoạch và biện pháp đối phó với an ninh sinh học nông nghiệp; và các điều khoản khác như nghiên cứu và phát triển các biện pháp nông nghiệp, chương trình viện trợ an ninh sinh học nông nghiệp, các chương trình và nội dung đào tạo lực lượng lao động nông nghiệp, các quy định về nhập khẩu chó sống, phạt vi phạm Đạo luật phúc lợi động vật, các chương trình hỗ trợ lương thực nội địa và các vấn đề nhỏ khác.
            - Chương 15: Các điều khoản về thương mại và thuế
            Chương này gồm 43 mục, bao gồm các nội dung chính: a) Trợ giúp thảm họa nông nghiệp bổ sung từ Quỹ tín thác cứu trợ thảm họa nông nghiệp gồm các hoạt động trợ giúp; b) Các điều khoản về doanh thu của các chương trình nông nghiệp; c) Các điều khoản về thuế; d) Các điều khoản về thương mại
( Vụ Thị trường Châu Mỹ)

Nguồn: Vinanet