Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong các ngành đòi hỏi chuyên môn, kỷ luật an toàn lao động nghiêm ngặt nhưng lại chưa được huấn luyên về ATCN, hoặc đã được huấn luyện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành.... Đặc biệt là vấn đề an toàn lao động khi khai thác đá lộ thiên trên cao và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp ở các mỏ đá hiện nay.
1. Về hệ thống khai thác:
Do quá thiên về lợi dụng thế năng của khối đá nguyên nên hầu như các mỏ đá trên cao đều không cắt tầng theo hướng dẫn nêu trong điều 4.2 về yêu cầu an toàn khi mở tầng trong "Quy phạm kỹ thuật an toàn trong khai thác và chế biến đá lộ thiên" - TCVN 5178 - 2004. Hệ thống khai thác thường gặp nhất là các máng đá dốc, không để lại cộ đá chân dốc, kể cả khi độ cao của máng đá đạt tới vài chục mét. Hệ thống khai thác này tuy thuận lợi cho quá trình đập vỡ thêm các tảng đá lớn trên đường lao xuống chân dốc, cũng như giai đoạn đập vỡ nốt những tảng đá quá cỡ còn lại ngay trên bề mặt sân công nghiệp đều tạo điều kiện giảm chi phí làm và duy tu đường tầng; giảm chi phí vận chuyển... và giảm giá thành sản phẩm sau khai thác.
Khi độ chênh cao của máng đá kể từ chân dốc lên điểm công tác của giải khấu đã vượt quá mức cho phép như thường gặp dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn, trong đó đáng kể nhất là: Nguy cơ mất an toàn cho người và trang thiết bị trong quá trình làm việc với bụi, tiếng ồn và độ rung; vừa phải tránh những tảng đá nhỏ, đôi khi là những dòng đá lăn hoặc gió mạnh và mưa rào bất thường.
Trong quá trình khai thác, công tác thăm dò dự báo tình trạng khối đá cần khai thác thường chỉ được tiến hành bằng mắt thường và sự phán đoán theo kinh nghiệm chứ chưa có quy trình chuẩn, chưa thông qua kết quả quan trắc và xử lý số liệu chuẩn của đội ngũ lao động chuyên nghiệp có phương pháp và trang thiết bị dụng cụ chuyên dùng. Mặt khác, công tác thủ tiêu và phòng tránh những nguy cơ gây sự cố trong quá trình khai thác lại chưa có phương án cụ thể. Với hệ thống khai thác đá lộ thiên trên cao bằng nổ mìn, dù có đảm bảo cho người và trang thiết bị không ngã trượt trên mặt máng khai thác, thì cũng khó đảm bảo khối đá trên mặt máng cần khai thác không bị trượt lở bất thường bởi sự cộng hưởng của yếu tố chủ động là lực gây trượt cao, trong khi phản lực chống trượt không có, mà lực liên kết trong khối đá bị suy giảm bất thường do tác động mở rộng mạng khe nứt của nước trọng lực, sóng nổ mìn, rung động của máy móc thiết bị và thời tiết xấu.
2. Về công tác sử dụng vật liệu nổ công nghiệp:
Hầu hết các mỏ khai thác đá lộ thiên, theo máng dốc trên cao, bằng phương pháp khoan nổ mìn, đều sử dụng các búa khoan cầm tay, chạy bằng khí nén, để khoan các lỗ mìn nhỏ d = (25 -32)mm và sâu lỗ Khoan = (3,0- 4,5)m. Đây là phương pháp khai thác đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ các yếu tố cơ bản sau: Cho phép sử dụng các trang thiết bị rẻ tiền, dễ sử dụng. Cho phép sử dụng thuốc nổ rời giá rẻ, dễ kích nổ bằng kíp điện thông thường. Cho phép sử dụng lao động đào tạo ngắn hạn, trình độ chuyên môn không cao, giá rẻ. Dễ điều chỉnh mạng lỗ mìn theo điều kiện hiện trường. Giảm được số chu kỳ khoan nổ mìn, giảm được chi phí phụ trong quá trình nạp nổ mìn, tăng được hệ số sử dụng liên tục các trang thiết bị khoan, xúc bốc và vận tải. Giảm được độ văng xa của đá nổ mìn, tăng độ đồng đều của hạt đá, giảm tỷ lệ đá quá cỡ... Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, phương pháp này lại tạo ra nhiều nguy cơ mất an toàn lao động do những yếu tố chủ quan và khách quan chính sau:
+ Do thực hiện nạp thuốc nổ rời vào lỗ khoan bằng phương pháp đổ rót thủ công, nên cả người sử dụng lao động và người lao động đều thường bỏ qua yêu cầu dùng thỏi thuốc nổ mồi như điều 7.1.11-TCVN 4586:1997 và thường thả liều kíp rời vào trong lỗ mìn, bất chấp quy định cấm trong điều 7.1.10-TCVN 4586:1997.
+ Khi lỗ mìn có d = (25-32)mm, có chiều sâu L > 3,0m và sử dụng thuốc nổ rời có khả năng sinh công V < 300cm3; để tăng khả năng vỡ đều khối đá gần miệng lỗ mìn, thường phải gia tăng lượng thuốc nổ.
+ Việc nhồi mìn thủ công trong các trường hợp này, nói chung đều rất khó khăn và nguy cơ mất an toàn đều rất cao, nhất là khi không cố định kíp nổ trong bao thuốc nổ mồi, mà thả kíp nổ tự do trong lỗ mìn, rồi đổ rót thuốc nổ rời phủ lấp đi. Trong nhiều trường hợp, để tiện cung ứng gậy nhồi mìn vừa nhỏ, vừa dài, người ta đã sử dụng các gậy tre dóc, hoặc các gậy mảnh tre gai đã pha chẻ. Đây là các loại gậy dễ dập vỡ đầu trong quá trình nhồi, trở thành chùm dùi đâm sâu vào cột thuốc, thậm chí đâm cả vào kíp nổ, gây sự cố bất thường.
+ ở các mỏ đá lộ thiên trên cao, hầu như chỉ sử dụng loại kíp điện nổ đồng thời; do vậy với những máng đá lớn, số lượng lỗ mìn nổ đồng thời nhiều, sóng nổ và lực rung động của các máy công tác trên mặt máng đá đã làm suy giảm độ bền và độ ổn định của khối đá, vì thế khi thời tiết xấu, các khe nứt trong khối đá chứa nước có áp, có thể gây nguy cơ mất an toàn cho toàn máng đá.
Để cải thiện điều kiện lao động trong doanh nghiệp, tập trung giảm thiểu tai nan lao động trong lĩnh vưc khai thác khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại tỉnh Hải Dương. Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động và Thương binh xã hội cần có sự phối hợp đồng bộ  trên một số nội dung sau:
1. Hàng năm phải kiểm tra các doanh nghiệp khai thác đá về sử dụng nhân lực qua đào tạo có trình độ, năng lực phù hợp với nhiệm vụ được giao; huấn luyện an toàn cho công nhân mới tuyển dụng hoặc mới được chuyển từ các ngành nghề khác sang; hàng năm phải tái huấn luyện 1 lần; thực hiện kế hoạch về kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động đã được duyệt; hiện trường khai thác, điều kiện làm việc của công nhân trên khai trường về mức độ an toàn; môi trường khai thác và sự ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, du lịch và môi trường xung quanh.
2. Việc thực hiện theo TCVN 5178/2004 quy phạm kỹ thuật an toàn và các quy định hiện hành của Nhà Nước trong khai thác và chế biến đá lộ thiên; chỉ có các doanh nghiệp khai thác đá thực hiện đầy đủ mới cho phép hoạt động; cần có sự phối hợp của liên ngành trong việc thanh tra về tai nạn lao động.
3. Đối với quản lý về kỹ thuật và kỹ thuật an toàn: Hàng năm doanh nghiệp lập kế hoạch khai thác, phải kèm theo các giải pháp về kỹ thuật AT & BHLĐ, việc thực hiện kế hoạch phải đúng theo kế hoạch đã duyệt; thường xuyên phải bổ xung tài liệu địa chất: Trong thời kỳ đầu và thời kỳ sản xuất phải thường xuyên quan sát hoặc khoan thăm dò, để biết được vị trí các mặt trượt, mặt yếu, mức độ nứt nẻ và mức độ phân lớp của đá nhằm làm cơ sở lập kế hoạch khai thác sau này.
Ngoài ra, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công nhân thực hiện đúng lệnh sản xuất, kế hoạch sản xuất, các giải pháp về kỹ thuật an toàn, bảo hộ lao động. Các mỏ tiến hành khai thác phải đươc duyệt thiết kế Cơ sở theo quy định tại Thông tư số  03/2007/TT-BCN ngày 18/6/2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ khoáng sản rắn. Các doanh nghiệp khai thác đá thực hiện tốt các giải pháp trên, nguy cơ mất an toàn và bảo hộ lao động, tai nạn và sự cố sẽ được khống chế. Đồng thời nhu cầu kỹ thuật viên ngành khai thác đá lộ thiên sẽ tăng lên theo nhu cầu công việc./.
(HaiDuongintrade)

Nguồn: Vinanet