Một số nước không cho nông dân bán gạo ra nước ngoài hoặc đánh thuế xuất khẩu nặng nhằm đảm bảo nguồn cung và duy trì mức giá thấp trong thị trường nội địa. Điều này đồng nghĩa với việc người nông dân không được hưởng lợi từ sự tăng vọt của giá lương thực trên thị trường quốc tế, trong khi họ phải đối mặt với việc chi phí sản xuất tăng cao do giá xăng dầu, hạt giống và phân bón đắt lên. Kết quả là một số nông dân sẽ giảm bớt diện tích canh tác.
Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU), Peter Mandelson, cảnh báo thuế xuất khẩu, hạn ngạch và các lệnh cấm có thể sẽ bóp nghẹt sản xuất trong nước. Trong khi đó, Ruifang Zhang, nhà phân tích nông nghiệp thuộc Goldman Sachs ở Luân Đôn cho rằng việc cấm xuất khẩu hay gia tăng các lọai thuế khác có nguy cơ cản trở sự tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư và nguồn cung, những thứ đang rất cần thiết trong thời điểm hiện nay, để giải quyết vấn đề mất cân đối trong cơ cấu trong nông nghiệp toàn cầu, do nhu cầu tăng mạnh trong những năm gần đây.
Tại Áchentina, nước xuất khẩu đỗ tương lớn thứ 3 thế giới và là nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 6 toàn cầu, giá lúa mỳ trong nước hiện chỉ bằng phân nửa mức giá trên thị trường quốc tế. Kết quả là người nông dân Áchentina có thể sẽ giảm bớt 15% diện tích gieo trồng trong niên vụ này, do tác động của thuế khóa xuất khẩu, trong khi vẫn không biết chắc khi nào chính phủ sẽ cho phép xuất khẩu. Trong khi đó, giá nông sản tại EU và Mỹ lại tăng vọt, với giá lúa mỳ tại Chicago (Mỹ) đã tăng 92% trong 12 tháng qua.
Chính phủ Áchentina -một trong những nhà sản xuất lương thực hàng đầu thế giới- đã sử dụng thuế xuất khẩu để bảo vệ thị trường trong nước khỏi ảnh hưởng của sự tăng vọt trên thị trường lương thực thế giới. Tuy nhiên, trước sự bất bình của của các nhà sản xuất, chính phủ nước này cuối tháng trước phải đã nới lỏng chính sách thuế khóa, bằng cách cố định mức giá sàn tối thiểu. Các nhà sản xuất đã phản ứng lại bằng một cuộc biểu tình kéo dài 21 ngày, gây ra tình trạng thiếu lương thực và đội giá lương thực lên cao.
Đi đôi với việc hạn chế xuất khẩu hay khống chế giá đối với người nông dân là sự gia tăng mạnh mẽ của giá cả các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất như dầu điêden, phân bón và hạt giống. Điều đáng ngạc nhiên là chi phí đầu vào lại không bị khống chế như cách đánh vào xuất khẩu. Tại Áchentina, theo sau sự tăng vọt của giá lúa mỳ, giá hạt giống các loại cũng tăng 95% so với mức giá năm 2007, hạt ngô (46%), đỗ tương (51%) và hạt hướng dương (56%). Trong khi dó, giá dầu thô hôm 15/4 tăng lên mức kỷ lục 115,54 USD/thùng đã khiến giá dầu điêden, điện và phân bón tăng theo. Theo các nhà kinh doanh, giá phân bón đã tăng ít nhất 200% trong 5 năm qua.
Tại một số nước, đặc biệt là những nước mà giá trong nước bị khống chế, người nông dân chỉ còn cách là sử dụng ít phân bón hơn. Trong niên vụ này, người nông dân Pakixtan chỉ sử dụng khoảng 600 tấn phân bón, giảm gần một nửa so với cách đây một năm. Mà kết quả của việc này là sản lượng lúa mỳ thu hoạch có thể sẽ giảm 2 tấn so với mức dự kiến ban đầu xuống khoảng 22 tấn.
Trả lời phỏng vấn với tờ "Thời Báo Tài Chính", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Xri Lanca, Ajith Nivard Cabraal, cho rằng chính phủ một số nước châu Á đã sai lầm khi cố gắng hạ thấp giá bán trong nước, vì chính sách này sẽ khiến người nông dân gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống và làm nản lòng họ trong việc tăng diện tích trồng trọt. Theo ông, chính phủ các nước này không quan tâm đến tác động lâu dài mà chỉ quan tâm đến những điều trước mắt.
 

Nguồn: Internet