Kiểu quảng cáo “muốn đổi số đồ lót cao cấp trị giá 2,5 triệu Rúp lấy một chiếc xe hơi bất kỳ” hay “đổi gỗ ở vùng Krasnoyarsk lấy thực phẩm và thuốc” đang mọc lên như nấm trên các tờ báo và các trang web. Một hãng sản xuất cần cẩu ở vùng Yekaterinburg đang dùng những chiếc máy xúc để thay tiền trả cho các chủ nợ.
Một trong những nhà giao dịch hàng hóa nổi tiếng nhất của nước Nga là ông German Sterligov thậm chí đã vạch ra một sáng kiến chống khủng hoảng “chẳng giống ai” là kết nối hàng loạt doanh nghiệp trong một hệ thống hàng đổi hàng trên phạm vi toàn cầu!
Nhớ lại hồi những năm giữa của thập niên 1990, hoạt động hàng đổi hàng đã chiếm tới 50% doanh số bán hàng của các doanh nghiệp trung bình và 75% doanh số của các doanh nghiệp lớn tại Nga. Cách thức trao đổi hàng hóa dạng cổ đại này đã giúp duy trì sự tồn tại của các công ty Nga trong nhiều năm, nhưng đồng thời cho phép họ “lười nhác” trong việc có những thay đổi cơ bản trong doanh nghiệp như cắt giảm lao động, hạ giá thành… để tăng tính cạnh tranh. Hoạt động này cũng khiến chính phủ bị thất thu thuế.
Hiện xu hướng hàng đổi hàng mới chỉ quay trở lại ở Nga với quy mô nhỏ, với tỷ lệ 3 - 4% doanh số hàng bán của các doanh nghiệp từ tháng 11/2008 tới nay, nhưng các nhà kinh tế đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo về vấn đề này.
Ông Sterligov dự kiến sử dụng một cơ sở dữ liệu trên máy tính để tạo ra những chuỗi gồm 6-7 doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm của họ lấy tiền mặt. Trong mỗi chuỗi, công ty ở cuối chuỗi sẽ -thanh toán công ty đầu chuỗi bằng một giao dịch duy nhất có sự hiện diện của tiền mặt.
Đây chính là cách thức hàng đổi hàng nhiều bên đã thống trị ở Nga trong những năm 1990. Khi đó, giám đốc các nhà máy trên khắp nước Nga đã phát triển những chuỗi trao đổi hàng nhằm tránh nguy cơ “sập tiệm” khi mà hầu như chẳng doanh nghiệp nào có tiền mặt để thanh toán các hóa đơn. Tuy nhiên, ông Sterligov cho rằng, với một chiếc máy tính, công việc trao đổi sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Cho tới thời điểm này, các nhà kinh tế học cho rằng, hình thức hàng đổi hàng ở Nga khó có thể đạt tới mức độ phổ biến như ở thập niên 1990.
Theo nhà kinh tế Andrei Yakovlev thuộc Trường Kinh tế cao cấp ở Moscow, ở thời kỳ đầu chuyển đổi của kinh tế Nga, các nhà công nghiệp nước này còn có ít cổ phần trong doanh nghiệp và phụ thuộc nhiều vào uy tín chức vụ. Bởi thế, họ không “mặn mà” với hoạt động cắt giảm chi phí, và hoạt động hàng đổi hàng giúp họ duy trì doanh nghiệp trong nhiều năm.
Vẫn theo ông Yakovlev, tình hình hiện nay đã khác. Các lãnh đạo doanh nghiệp Nga “đã thực sự nỗ lực giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động của công ty”. Thay vào đó, quan tâm nhiều tới phương thức hàng đổi hàng có lẽ chỉ là các chính quyền địa phương - đối tượng chịu tác động xấu nhiều nhất từ tỷ lệ thất nghiệp cao.
Theo GS. Popov, sự gia tăng của phương thức hàng đổi hàng là một tác dụng phụ của chính sách tiền tệ thắt chặt.
Hiện nước Nga đang ở trong một cuộc khủng hoảng thanh khoản. Giống như ở thập niên 1990, Chính phủ Nga đang ưu tiên vực dậy nền kinh tế bằng cách mua vào đồng Rúp với hy vọng tránh được một đợt bán tháo đồng tiền này trên quy mô lớn có thể dẫn tới khiến đồng tiền này lao dốc nhanh hơn.
Tính tới cuối tuần trước, tỷ giá đồng Rúp so với USD chỉ còn 1 USD “ăn” 36,2 Rúp, từ mức 1 USD tương đương 23,4 Rúp đầu tháng 8/2008.
Kết quả là, khi cung tiền co lại, nhiều doanh nghiệp Nga phải tìm tới con đường lấy hàng đổi hàng để có thể tồn tại.
Nhà máy của hãng Hyundai tại vùng Taganrog mới đây đã đưa tin mời đổi hàng lấy ôtô trên website của công ty. Những mặt hàng mà nhà máy này kỳ vọng thu về là “các nguyên vật liệu thô, thiết bị công nghệ cao, hoặc các loại hàng có tính thanh khoản tốt khác bao gồm hàng thành phẩm của nhiều lĩnh vực”.
Tốc độ gia tăng của xu hướng hàng đổi hàng xem ra mạnh hơn cả trong lĩnh vực xây dựng. Ông Dmitri Smorodin, người điều hành một công ty xây dựng ở St. Petersburg cho hay, ông đã suy nghĩ mất 2 tháng trước khi tuyên bố rằng, công ty sẵn sàng chấp nhận hàng hóa, bao gồm cả thực phẩm, thay vì tiền mặt trả cho công xây dựng.
Ở vùng Bashkortostan thuộc Tây Nam nước Nga, chính quyền thậm chí còn công khai khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các chuỗi hàng đổi hàng.
 

Nguồn: Internet