(VINANET) – Giá hàng hóa thế giới cuối tuần qua hồi phục mạnh, lấy lại phần lớn những gì đã mất của những phiên đầu tuần, và kết thúc tuần ít thay đổi so với đầu tuần.

Các thị trường hàng hóa đã theo dõi sát sao diễn biến quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về thời giạn cắt giảm kích thích kinh tế.

Đầu tuần, giá hàng hóa nguyên liệu giảm do lo ngại Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm nới lỏng tiền tệ. Biên bản họp Ủy ban thị trường mở tháng 7 công bố càng tạo áp lực cho thị trường khi các quan chức ủng hộ với kế hoạch chủ tịch Fed Ben Bernanke giảm quy mô chương trình mua trái phiếu cuối năm nay và ngừng hẳn vào giữa năm sau. Chỉ số S&P GSCI giảm 1,2% xuống còn 642,3 điểm phiên ngày 21/8.

Đến cuối tuần, hàng loạt thông tin kinh tế vĩ mô hỗ trợ thị trường hàng hóa, giá phục hồi trở lại. Chỉ số thu mua sản xuất (PMI) sơ bộ của Trung Quốc tháng 8 do HSBC công bố bất ngờ lên 50,1 điểm, cao nhất 4 tháng và cho thấy dấu hiệu sản xuất nước này tăng trưởng trở lại. Chỉ số đơn đặt hàng sản xuất mới Trung Quốc cũng tăng. Trung Quốc là nhà tiêu thụ hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng đầu thế giới, do vậy những thông tin trên tác động tích cực đến giá hàng hóa.

Sản xuất tại châu Âu cũng tăng vượt dự báo các chuyên gia và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ tháng qua thấp nhất 5 năm, làm tăng triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Doanh số bán nhà mới tháng 7 của Mỹ giảm mạnh nhất 3 năm lại trở thành thông tin tích cực, làm chậm lại quyết định cắt giảm kích thích của Fed khi nền kinh tế vẫn chưa đầy đủ các yếu tố tăng trưởng bền vững.

Chỉ số 19 nguyên liệu Thomson Reuters-CRB tuần qua giảm nhẹ 0,6%, sau khi giảm mạnh phiên thứ 3 (20/8) và thứ 4 (21/8).

Ngũ cốc, hạt có dầu
Phiên cuối tuần, giá ngô giao tháng 12 trên sàn Chicago tăng 1,4% lên 4,7 USD/bushel, giá đậu tương giao tháng 11 tăng 5,4% chốt tuần tại 13,28 USD/bushel, giá lúa mỳ giao tháng 9 tăng nhẹ hơn 0,5% lên 6,344 USD/bushel.

Giá nông sản tuần qua tăng do lo ngại thời tiết khô nóng làm giảm triển vọng sản lượng thu hoạch. Sau chuyến khảo sát các khu vực trồng ngũ cốc chính tại Mỹ, kết quả thu được là năng suất các loại cây này thấp hơn ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Theo Bloomberg, USDA sẽ điều chỉnh giảm 2,5% dự báo trước đối với sản lượng đậu tương, và 1,5% đối với thu hoạch ngô. USDA theo lịch sẽ thông báo dự báo sản lượng mới ngáy 12/9 tới.

Cao su

Phiên cuối tuần, giá cao su giao tháng 1 trên sàn Tocom (Tokyo) tăng 3,4 yên, tương đương 1,3% lên 269,4 yên/kg. Trong phiên giao dịch, giá có lúc tăng tới 2% lên 271,2 yên/kg, mức cao nhất cho hợp đồng giao dịch sôi động nhất kể từ 29/5. Giá cao su Tocom có tuần thứ 3 tăng liên tiếp. Giá cao su Tocom tăng do yên nhật giảm xuống 99,1 yên/USD, thấp nhất kể từ 5/8 do dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ giảm kích thích trong tháng tới.

Giá cao su giao tháng 1 trên sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải tăng 550 nhân dân tệ, tương đương 2,8% lên 20.295 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thái Lan tăng 2,2% lên 82,7 baht/kg (2,59 USD) hôm qua, theo Viện nghiên cứu cao su Thái Lan.

Dầu
Giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 10 trên sàn Comex tuần qua giảm 0,8% xuống còn 106,42 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tại ICE tăng 0,5% lên 111,04 USD/thùng. Chênh lệch giá 2 loại dầu nới rộng lên 4,62 USD/thùng. Trong tuần có phiên giá dầu chạm mốc thấp nhất nửa tháng.

Giá dầu thô biến động theo các thông tin kinh tế vĩ mô, giảm đầu tuần do lo ngại Fed sớm cắt giảm nới lỏng tiền tệ nhưng bật trở lại cuối tuần nhờ số liệu sản xuất các nước.

Cơ quan Thông tin Năng lượng EIA thông báo dự trữ dầu thô tại cảng Cushing, đầu mối vận chuyển dầu giao dịch kỳ hạn giảm 1,09 triệu thùng xuống 37,4 triệu thùng trong tuần trước, thấp nhất từ tháng 3/2012. Dự trữ dầu thô nói chung giảm xuống 359,1 triệu thùng ngày 16/8, thấp nhất 1 năm qua. Tổng cầu nhiên liệu Mỹ tăng 1,3% trong tuần lên 19,3 triệu thùng/ngày. 

Kim loại

Giá đồng giao tháng 12 trên sàn Comex giảm nhẹ 0,3% trong tuần chốt tại 3,356 USD/lb. Giá giao sau 3 tháng tại sàn LME giảm 0,5% xuống còn 7.360 USD/tấn tương đương 3,34 USD/lb.

Trong tuần, giá đồng có phiên giảm mạnh nhất 3 tuần xuống 7.306 USD/tấn do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các động thái của Fed, lo ngại hạn chế nới lỏng tiền tệ Mỹ sẽ gây ra giảm triển vọng tiêu thụ đồng trong tương lai. Tuy nhiên ngay sau đó giá phục hồi trở lại.
Lượng đồng dự trữ tại kho của sàn LME giảm 3,4% trong tuần trước, giảm mạnh nhất từ tháng 9 năm ngoái. Lượng dự trữ này đã giảm 28 phiên liên tiếp, mạch dài nhất từ tháng 2/2012, hiện còn khoảng 564.225 tấn đồng.

Vàng
Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 12 tăng 1,75% chốt tuần tại 1.395 USD/oz. Sau khi kết thúc phiên, trên bảng điện tử, giá vàng giao dịch kỳ hạn tăng tiếp chạm mốc 1.399,9 USD/oz, cao nhất 11 tuần. Nguyên nhân chính do nhu cầu vàng vật chất lan rộng tại châu Á. Hội đồng vàng thế giới nhận định, tiêu thụ vàng của Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục vượt 1.000 tấn trong năm nay.

Các số liệu sản xuất các nước vượt dự báo làm tăng triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu cũng hỗ trợ giá vàng.

Tuần qua, các quỹ ETF tiếp tục trở lại mua vàng. Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng 5 tấn vàng trong tuần.

Tuần này với nhiều người được coi là tuần cuối cùng của mùa hè bước sang tháng 9 với nhiều thông tin quan trọng, tác động mạnh tới thị trường như báo cáo mới về việc làm và cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). 

Hiện có rất nhiều tranh cãi về việc liệu Fed có cắt giảm nới lỏng tiền tệ trong tháng 9 hay không và nếu có thì sẽ giảm bao nhiêu trong tổng gói 85 tỷ USD mua trái phiếu mỗi tháng. Điều này có ảnh hưởng đặc biệt tới nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và đặc biệt là vàng trong thời gian tới.
Trong tuần này, giới đầu tư còn chờ đợi doanh số bán nhà nói chung và chỉ số giá nhà 20 thành phố Mỹ của Case Shiller. Những số liệu này cùng với doanh số bán nhà mới công bố thứ 6 vừa qua sẽ cho thấy tổng quan chung về thị trường bất động sản để nhận định chính xác hơn động thái của Fed.

Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá

+/-

+/-(%)

So với đầu năm (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

106,40

 1,37

 1,3%

 15,9%

Dầu thô Brent

 USD/thùng

 111,00

 1,10

 1,0%

 -0,1%

Khí thiên nhiên

 USD/gallon

 3,485

 -0,060

-1,7%

4,0%

Vàng giao ngay

 USD/ounce

 1395,70

24,50

 1,8%

-16,7%

Vàng Mỹ

 USD/ounce

 1396,50

21,26

 1,5%

-16,6%

Đồng Mỹ

US cent/lb

3,35

 0,02

 0,6%

 -8,3%

Đồng LME

USD/tấn

7360,00

40,00

 0,5%

 -7,2%

Dollar

 

81,360

 -0,128

-0,2%

6,0%

 CRB

 

290,794

2,452

 0,9%

 -1,4%

Ngô Mỹ

 US cent/bushel

 495,50

 8,00

 1,6%

-29,0%

Đậu tương Mỹ

 US cent/bushel

1365,25

43,25

 3,3%

 -3,8%

Lúa mì Mỹ

US cent/bushel

 634,50

 4,00

 0,6%

-18,4%

Cà phê arabica

 US cent/lb

113,05

-0,15

-0,1%

-21,4%

Cacao Mỹ

USD/tấn

 2427,00

 7,00

 0,3%

8,5%

Đường thô

US cent/lb

 16,47

 0,19

 1,2%

-15,6%

Bạc Mỹ

 USD/ounce

23,738

 23,508

 1,7%

-21,5%

Bạch kim Mỹ

USD/ounce

 1541,60

 1,50

 0,0%

0,2%

Palladium Mỹ

USD/ounce

750,85

-4,20

-0,6%

6,8%

(T.H – Reuters)