Số liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự đoán thúc đẩy USD tăng, ép vàng và dầu giảm
Khí gas giảm do thời tiết ấm áp
Hàng hóa không hấp dẫn các nhà đầu tư bằng trái phiếu

(VINANET) – Chỉ số giá 19 hàng hóa thế giới CRB phiên giao dịch cuối tuần, 1/11 (kết thúc vào rạng sáng 2/11 giờ VN) giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2012, trong khi chỉ số giá 24 hàng hóa GSCI thấp nhất 4 tháng do số liệu kinh tế Mỹ khả quan đẩy tăng giá trị đồng USD so với các tiền tệ khác, ép giá dầu và vàng giảm, trong khi khí thiên nhiên giảm giá phiên thứ 5 liên tiếp do thời tiết dự báo sẽ ấm áp.

Vàng giảm 1% phiên cuối tuần, đánh dấu tuần giảm giá mạnh nhất trong vòng 7 tuần qua, giảm 3%, bởi số liệu sản xuất Mỹ tốt hơn dự báo, lại làm dấy lên đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm quy mô kích thích kinh tế.

Chỉ số giá hàng hóa Thomson Reuters/Core Commodity CRB phiên cuối tuần giảm 1,04%, xuống 274,9596, với 16 trong số 19 hàng hóa tính chỉ số giảm giá. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6 năm ngoái, do đồng USD tăng giá bởi lạc quan về sự hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chỉ số giá 24 hàng hóa nguyên liệu Standard & Poor’s GSCI Spot Index cũng xuống thấp nhất 4 tháng, 611,58, và kết thúc tuần ở mức 612,24 sau khi giảm 1,7% chỉ trong một phiên.

Đồng USD mạnh lên khiến những tài sản tính theo USD như vàng trở nên đắt hơn đối với những nhà đầu tư nước ngoài.

“Đồng euro giảm trở lại sau số liệu về lạm phát, còn số liệu về Mỹ rất tốt đẩy tăng đồng USD, ảnh hưởng xấu tới giá vàng”, nhà phân tích Natixis thuộc hãng Bernard Dahdah nhận định.

Các nhà đầu tư cũng hướng tới cổ phiếu, nơi cho lợi nhuận cao hơn trong bối cảnh nghi ngờ về nhu cầu dài hạn của Trung Quốc, nước tiêu thụ các hàng hóa chủ chốt hàng đầu thế giới, và tình trạng dư cung dầu và đồng trên toàn cầu.

Đồng euro giảm giá phiên thứ 5 liên tiếp so với USD, kết thúc một tuần giảm giá mạnh nhất trong vòng 16 tháng, bởi đồn đoán rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ nới lỏng tiền tệ hơn nữa để bảo vệ xu hướng tăng trưởng.

Phiên 1/11, số liệu cho thấy sản xuất của Mỹ tăng mạnh nhất 2 năm rưỡi, làm dấy lên một số dự báo về kinh tế.

Nền kinh tế Mỹ hồi phục đem lại hy vọng nhu cầu sẽ gia tăng, song các nhà đầu tư lại lo ngại chưa biết khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ rút lại chương trình mua trái phiếu 85 tỷ USD mỗi tháng.

Các nhà đầu tư hiện bối rối về những lời bình luận của các quan chức Fed.

Chủ tịch Fed khu vực Richmond, Jeffrey Lacker, tái khẳng định rằng thị trường lao động Mỹ trong 14 tháng qua đã hồi phục đủ để Ngân hàng trung ương có thể rút lại chương trình kích thích kinh tế.

Nhưng Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ bang St. Louis, James Bullard, lại đề nghị Fed chờ đợi thêm những dấu hiệu cho thấy lạm phát tăng lên trước khi bắt đầu rút dần chương trình mua trái phiếu.

Trong khi đó trên các thị trường hàng hóa, giá cà phê arabica và ngô bị ảnh hưởng xấu bởi hoạt động bán ra mạnh do lo ngại về tình trạng vượt cung.

Sản lượng ảnh hưởng tới nhu cầu mọi hàng hóa, từ cà phê tới kẽm, do lượng mưa năm nay dồi dào đẩy tăng sản lượng nông sản, trong khi nhu cầu từ kim loại tới ngũ cốc, năng lượng… đều bấp bênh.

Cà phê arabica giảm xuống mức thấp nhất 4 năm rưỡi trước khi hồi phục nhẹ vào lúc đóng cửa nhờ hoạt động mua vào, trong khi ngô giảm xuống mức thấp nhất 3 năm. Nước cam nằm trong số ít mặt hàng tăng giá.

Phiên trước đó, 31/10 (kết thúc vào rạng sáng 1/11), S&P Dow Jones Indices LLC cho rằng chỉ số giá hàng hóa Dow Jones-UBS Commodity Index sẽ chứng kiến các mặt hàng dầu thô Brent, vàng và bạc tăng trong năm tới, nhưng khí gas, dầu thô Mỹ và một số kim loại cơ bản sẽ giảm.

Tồn trữ dầu thô Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6, theo số liệu của Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ công bố hôm 30/10. Goldman Sachs Group Inc. Hôm 18/10 nhận định lợi nhận từ hàng hóa sẽ “gần như không thay đổi” trong 12 tháng tới, và “có rất nhiều khả năng giá vàng, đồng và đậu tương sẽ giảm”.

Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới phát tín hiệu khả quan đối với nền kinh tế cho rằng nền kinh tế có "sức mạnh tiềm ẩn", tuy rằng vẫn giữ nguyên chương trình mua trái phiếu 85 tỷ USD trong quyết định ngày 30/10. Citigroup và Barclays đều dự báo Fed có khả năng sẽ tiến hành cắt giảm chương trình trái phiếu này sớm trong tháng 12 tới. Điều này tạo áp lực giảm cầu tiêu thụ hàng hóa nguyên liệu thời gian tới. 

Vàng bị ảnh hưởng bởi dự báo về hành động của Fed

Đà bán vẫn tiếp tục trên các sàn giao dịch vàng thế giới khi người ta lại nói nhiều hơn về khả năng FED rút dần gói nới lỏng tiền tệ, khiến giá xuống sâu hơn.

Phiên giao dịch cuối tuần tại Mỹ bắt đầu với mốc 1.322 USD một ounce, nhưng tiếp tục xuống khá mạnh sau đó do đồng đôla Mỹ lên đỉnh của 6 tuần. Cuối cùng, mỗi ounce vàng chốt tuần ở 1.315 USD, thấp nhất trong 2 tuần lễ.

Lượng nẵm giữ tại quỹ ETF vàng SPDR liên tục giảm. Tổng cộng quỹ này bán ra 34 tấn vàng trong tháng 10, nhiều nhất kể từ hồi tháng 7. Như vậy, từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư đã rút khoảng 20 tỷ USD khỏi quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới.

Đồng giảm do cung lớn

Dự trữ đồng tại sàn kim loại London tăng tới 49% trong năm nay kéo theo giá giảm 9,7% từ đầu năm tới nay.

Thị trường xăng dầu: Dư cung bù lại cho sự gián đoạn ở Libya

Giá dầu thô loại hợp đồng kỳ hạn đã giảm mạnh xuống dưới 95 USD mỗi thùng, do tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng lượng cung tại Mỹ quá lớn trong khi lượng cầu yếu.

Chốt phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 12 trên sàn giao dịch hàng hóa New York đã giảm 1,77 USD, tương ứng với mức giảm 1,8%, xuống còn 94,61 USD mỗi thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô đã giảm 3,3%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/6 cho tới nay. Trước đó, trong tháng 10, giá dầu loại này đã bốc hơi 5,8%.

Trên sàn hàng hóa London, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc cũng giảm mạnh 2,93 USD, tương ứng với mức giảm 2,7%, xuống còn 105,91 USD mỗi thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent đã giảm khoảng 1%. Và hiện khoảng chênh lệch giá giữa dầu thô giao sau tại sàn hàng hóa New York và dầu thô giao sau ở sàn hàng hóa London là khoảng 11 USD/ thùng.

Cũng trên sàn giao dịch hàng hóa New York, kết thúc phiên 1/11, giá xăng giao tháng 12 giảm gần 4 cent, tương ứng với mức 1,6%, xuống 2,54 USD mỗi gallon. Giá dầu sưởi giao cùng kỳ hạn đứng ở mức 2,88 USD mỗi gallon vào cuối phiên, giảm 7 cent so với phiên trước, tương ứng 2,4%. Tính chung cả tuần này, giá xăng đã giảm 0,8%, giá dầu sưởi giảm 0,9%.

Khí gas giảm do thời tiết

Diễn biến cùng chiều với các mặt hàng năng lượng khác, giá khí tự nhiên giao tháng 12 giảm gần 7 cent trong phiên cuối tuần, tương ứng với mức 1,9%, xuống 3,51 USD/triệu BTU. Tính cả tuần, giá khí đã giảm hơn 5%.

Ngô giảm mạnh

Giá ngô Mỹ cũng xuống thấp nhất 3 tuần do lượng mưa tăng cường tại Argentina cộng với sản lượng dự kiến kỷ lục tại Mỹ góp phần khiến nguồn cung ngô toàn cầu dồi dào.
Cao su giảm

Giá cao su giao tháng 4 trên sàn Tocom tại Tokyo giảm 1,8 yên, tương đương 0,7% xuống 259,8 yên/kg. Giá cao su Tocom giảm liên tiếp 2 phiên cuối tuần do giá dầu thô giảm và yên tăng so với USD.

Đồng yên tăng lên 98,21 yên/USD, tăng ngày thứ hai liên tiếp sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ duy trì mua 85 tỷ USD giá trị trái phiếu hàng tháng tính đến 30/10. Giá dầu WTI xuống thấp nhất gần 4 tháng ngay cả khi số liệu cho thấy sản xuất Trung Quốc hiện đã tăng cao hơn so với ước tính.

 Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá

+/-

+/-(%)

So với đầu năm (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

 94,66

-1,72

-1,8%

3,1%

Dầu thô Brent

 USD/thùng

 106,11

-2,73

-2,5%

 -4,5%

Khí thiên nhiên

 USD/gallon

 3,513

 -0,068

-1,9%

4,8%

Vàng giao ngay

 USD/ounce

 1313,20

 -10,50

-0,8%

-21,6%

Vàng Mỹ

 USD/ounce

 1314,56

-8,63

-0,6%

-21,5%

Đồng Mỹ

US cent/lb

3,30

 0,00

-0,1%

 -9,7%

Đồng LME

USD/tấn

7245,00

-4,00

-0,1%

 -8,6%

Dollar

 

80,711

0,516

 0,6%

5,1%

 CRB

 

274,960

 -2,903

-1,0%

 -6,8%

Ngô Mỹ

 US cent/bushel

 427,25

-1,00

-0,2%

-38,8%

Đậu tương Mỹ

 US cent/bushel

1266,00

 -14,25

-1,1%

-10,8%

Lúa mì Mỹ

US cent/bushel

 667,75

 0,25

 0,0%

-14,2%

Cà phê arabica

 US cent/lb

105,55

 0,15

 0,1%

-26,6%

Cacao Mỹ

USD/tấn

 2651,00

 -26,00

-1,0%

 18,6%

Đường thô

US cent/lb

 18,25

-0,07

-0,4%

 -6,5%

Bạc Mỹ

 USD/ounce

21,837

 21,618

 1,6%

-27,8%

Bạch kim Mỹ

USD/ounce

 1451,90

 3,50

 0,0%

 -5,6%

Palladium Mỹ

USD/ounce

738,25

 1,45

 0,2%

5,0%

(T.H – Reuters)