Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Quản lý kinh tế Trung ương, xét về khía cạnh người tiêu dùng, họ được hưởng lợi nhiều hơn vì có thêm cơ hội mua hàng giá rẻ, chất lượng. Tuy nhiên, hàng Việt lại đang chịu sức ép rất lớn và nếu không có sự hỗ trợ thêm từ phía Chính phủ, nhiều mặt hàng, ngành hàng có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

Gói kích cầu, trong đó có kích cầu tiêu dùng đã triển khai được gần 7 tháng. Nhưng từ đầu tháng 9, "Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước 2009" của Bộ Công thương nhằm kích thích tiêu dùng nội địa mới chính thức được bắt đầu.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban cố vấn Thủ tướng, thì cho rằng, Hiệp định kinh tế giữa Việt Nam với Nhật Bản và Thái Lan nằm trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do Asean nên yêu cầu về việc “mở cửa” của từng quốc gia rộng hơn so với WTO. Phía Nhật Bản cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho hàng Việt, đặc biệt là hàng nông sản. Thế nên việc miễn giảm thuế cho hàng hóa Nhật vào Việt Nam là tất yếu. Tuy nhiên, song song với việc thực hiện các hiệp định kinh tế trên, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc kích cầu nội địa và chiến dịch người Việt dùng hàng Việt, phải làm sao để khi hàng ngoại ồ ạt vào Việt Nam thì người Việt đã có thói quen dùng những mặt hàng nội thiết yếu, chất lượng và có một cái nhìn “bản lĩnh” đối với đa dạng chủng loại hàng hóa.

Kể từ ngày 1/10/2009, Hiệp định Đối tác (VJEPA) đã chính thức có hiệu lực. Theo cam kết của VJEPA, Nhật Bản bỏ ngay 7.220 dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và Việt Nam cũng cắt bỏ ngay 2.586 dòng thuế. Trong vòng 10 năm, tự do hoá khoảng 92% kim ngạch thương mại 2 chiều, trong đó Nhật Bản sẽ tự do hoá 95% kim ngạch thương mại và Việt Nam là 88%. Các mặt hàng có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực là dệt may, cơ khí, cáp điện, máy tính, linh kiện, đồ gỗ, tôm, các sản phẩm từ tôm, hoa cắt cành, sầu riêng….

Tại Hà Nội nhiều cửa hàng kinh doanh đồ điện máy thừa nhận, lượng khách mua hàng đang có dấu hiệu chùng xuống rõ rệt. Từ trước đến nay, hàng Nhật khá đắt. Nhưng nay, thuế nhập khẩu cho các mặt hàng từ Nhật giảm thì mức giá sẽ giảm theo. Nhiều người vì thế chắc chắn có tâm lý chờ cơ hội để mua được hàng đẹp, chất lượng cao mà giá đã rẻ hơn. Chỉ những người thực sự có nhu cầu cần gấp mới mua thời điểm này.

Theo Phó tổng giám đốc BigC Việt Nam, hiện tỷ trọng hàng nhập khẩu trực tiếp từ Nhật tại hệ thống siêu thị BigC trên toàn quốc chỉ chiếm khoảng 2%, chủ yếu là hàng gia dụng, mỹ phẩm và điện máy. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi thuế nhập khẩu hàng Nhật giảm mạnh, BigC sẽ xem xét để nhập thêm nhiều mặt hàng thiết thực như hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm, điện máy, đặc biệt là các sản phẩm có mức thuế suất 0%.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô cũ, mới trong nước cũng khá hào hứng với thông tin mặt hàng phụ tùng, linh kiện ô tô nhập khẩu từ Nhật thời gian tới mức thuế suất nhiều loại chỉ còn 0%, thay vì trên 40% như trước đây.

Bên cạnh việc thuế nhập khẩu hàng Nhật sẽ giảm mạnh thời gian tới, thuế nhập khẩu hàng Thái vào Việt Nam cũng sẽ được miễn, giảm bắt đầu từ tháng 10. Hiện thuế nhập khẩu các mặt hàng trên từ Thái là 5%, thời gian tới nếu thuế giảm về 0% thì giá cả mỗi sản phẩm sẽ giảm được từ 100.000 đến khoảng 200.000 đồng, tuy không đáng kể nhưng cũng giúp giá sản phẩm cạnh tranh hơn trên thị trường.

 

Nguồn: Internet