Bế mạc Hội nghị, đại diện của 183 nước tham dự đã đưa ra một tuyên bố, theo đó họ cam kết sẽ tiến hành các biện pháp để giảm bớt nạn đói trên toàn cầu, thúc đẩy sản xuất lượng thực và đầu tư nhiều tiền hơn cho lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, văn kiện này còn thiếu các bước đi bắt buộc và cụ thể. Trước đó, Hội nghị đã rất ngần ngại công bố tuyên bố này, vì các nước tham dự, trước hết là Áchentina và Cuba, đã không tán thành với ngôn ngữ diễn đạt trong văn kiện.
Các nước ký tuyên bố nhấn mạnh rằng các biện pháp ngay lập tức, trung hạn và dài hạn là rất cần thiết để ngăn chặn khủng hoảng lương thực, đồng thời kêu gọi tất cả các nước tài trợ và tổ chức Liên hợp quốc tăng cường giúp đỡ các nước kém phát triển, nhất là những nước nạn nhân của tình trạng giá lương thực tăng cao. Tuyên bố nhấn mạnh phải bảo đảm rằng buôn bán thực phẩm và nông sản cần góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho tất cả các nước và để đạt mục tiêu này, cần phải có những biện pháp mới nhằm hạn chế sự leo thang của giá lượng thực trên thế giới.
Tuyên bố cũng đề cập vấn đề nhiên liệu sinh học và đòi có sự nghiên cứu sâu rộng để qua đó việc sản xuất nó và sử dụng nó không ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu. Các nước phải trao đổi kinh nghiệm của mình về công nghệ, tiêu chuẩn và sự điều chỉnh trong việc sản xuất nhiên liệu sinh học. Tại Hội nghị, đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng "ảnh hưởng của việc phát triển công nghệ năng lượng sinh học đến giá lương thực trong thời gian qua gần như không đáng kể". Theo EC, chưa đến 2% đất trồng trọt ở châu Âu được dành cho việc trồng các cây nhiên liệu sinh học. Đại diện của Mỹ, Braxin và tổ chức Oxfam ủng hộ quan điểm này của EC.
Trong khi đó, các tổ chức cứu trợ đã chỉ trích sự thiếu dũng cảm của Hội nghị kéo dài 3 ngày này. Các Tổ chức phi chính phủ cho rằng tuyên bố này sẽ không giải quyết được vấn đề đói nghèo trên thế giới, chỉ nhắc lại những cam kết trong quá khứ mà không có sự ràng buộc trực tiếp nào đối với các chính phủ. Các nước giàu như Mỹ tỏ ra kiên quyết bảo vệ chính sách trợ giúp nền nông nghiệp của họ. Đề tài này sẽ còn được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh nhóm nước G8 tổ chức ở Nhật Bản thời gian tới.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Donald Kaberuka, đã có thông báo có khoản tài trợ đầu tiên 1 tỷ USD (647 triệu euro) cho khu vực nông nghiệp ở các vùng gặp nạn tồi tệ nhất. Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IDB) cũng hứa tài trợ 1,5 tỷ USD (970 triệu euro).

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam