Hiện nay ở Việt Nam nhiều người dân có tiền nhàn rỗi đều quan tâm đến 3 thị trường chủ yếu: thị trường vàng - ngoại tệ, thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường bất động sản (BĐS) vì đó chính là các cơ hội đầu tư kiếm lời nhanh nhất mặc dù biết rằng  rủi ro cũng là lớn hơn cả. Cuối năm 2006 đầu 2007 chúng ta chứng kiến cảnh bùng phát của TTCK với chỉ số VN-Index tăng lên chóng mặt đạt đỉnh cao 1170,67 điểm (12/3/2007), sau đó bắt đầu đà tụt dốc xuống đáy là 496,64 (25/3/2008). Các nhà đầu tư gần như bỏ chạy khỏi thị trường và nhiều người đã phải bán tháo cổ phiếu của mình để chuyển sang thị trường bất động sản và vàng, góp phần đẩy giá trên hai thị trường này lên cao. Tuy nhiên những biến động giảm giá mạnh trên thị trường BĐS Mỹ đã góp phần làm cho thị trường tài chính Mỹ xáo động dẫn đến việc sáp nhập ngân hàng Bear Stearns, một tập đoàn đầu tư-tài chính lớn thứ 4 ở Mỹ vào tập đoàn Morgan Chases. Việc cắt giảm liên tục lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) làm cho đồng đô la vốn đã suy yếu càng thêm suy yếu, trong khi giá dầu và vàng lại tăng vọt. Điều đó đã tác động lớn đến thị trường tiền tệ nước ta.
Diễn biến giá vàng thế  giới  hơn 30 năm qua:
Nhìn lại thị trường vàng thế giới 30 năm qua ta thấy lúc giá vàng thấp nhất là vào 7/1999 khi rớt xuống còn 252 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 20 năm khi đó. Sau đó giá vàng lên đỉnh cao khi đạt 536,5 USD/ounce vào 12/2005, tức mức cao nhất trong vòng 24 năm. Trong suốt 2 thập kỷ 80-90 giá vàng thế giới luôn ở dưới ngưỡng 500 USD/ounce.
Từ năm 2001 trở đi giá vàng thế giới liên tục tăng, nhất là sau sự kiện khủng bố 11/9/2001. Sau các sự kiện Mỹ tấn công vào Afghanistan cuối năm 2001, rồi tấn công Iraq vào 3/2003 giá vàng càng tiếp tục leo thang. Giá vàng trên thế giới bắt đầu tăng mạnh từ 2004 và vào cuối 2005 đã vượt mốc 500 USD/ounce và đạt kỷ lục vào tháng 5/2006 ở mức 731 USD/ounce.
Năm 2007 chứng kiến sự diễn biến rất phức tạp của giá vàng trên thế giới cũng như trong nước và giữ mức giá trung bình là 650-670 USD/ounce. Sang đầu năm 2008 giá vàng thế giới đã có sự tăng đột biến cùng với sự tăng giá dầu thô lên mức kỷ lục 110 USD/thùng và giá vàng có lúc vượt mốc 1000 USD/ounce lên đỉnh điểm 1009 USD/ounce. Sau khi FED đã cắt giảm lãi suất liên tục và tung tiền ra cho các ngân hàng vay để ổn định thị trường tài chính Mỹ, cứu nền kinh tế Mỹ ra khỏi suy thoái đang đến gần, đồng đô la gần đây đã phục hồi trở lại kéo theo giá vàng giảm xuống ở mức hiện nay trên dưới 900 USD/ounce.
Theo đánh giá của David Nichols, một chuyên gia chuyên phân tích thị trường vàng, giá vàng thế giới nếu phát triển đúng hướng sẽ lui về ngưỡng 850 USD/ounce và rồi sẽ trở lại mức 730 USD/ounce. Còn Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đưa ra dự báo là năm 2008 giá bình quân vàng thế giới là 790 USD/ounce. 
Cung cầu vàng trên thế giới
Trung bình hàng năm lượng vàng trên thế giới được sản xuất ra khoảng 2500 tấn, trong đó 15% được sử dụng trong công nghiệp, 60% dùng cho trang sức. Số còn lại là được cất trữ, đầu cơ. Năm 2006 sản lượng vàng thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua là 2.477 T
Từ hơn thế kỷ nay Nam Phi luôn là nước đứng đầu về khai thác vàng với gần một nửa sản lượng vàng của thế giới. Vì vậy mọi biến động mạnh trong việc khai thác vàng ở Nam Phi đều ảnh hưởng rõ rệt đến thị  trường vàng thế giới. Tuy nhiên năm qua khai thác vàng ở nước này giảm sút mạnh do khó khăn về thiên tai cũng như thiếu nguồn điện. Năm 2007 sản lượng vàng của Nam Phi chỉ đạt được 272 tấn, do đó đã để Trung Quốc vươn lên ngôi đầu với sản lượng khai thác được là 276 tấn và trở thành nước sản xuất vàng lớn nhất thế giơí. Australia là nước sản xuất vàng thứ hai thế giới tụt xuống thứ ba.
Tuy nhiên sang đầu năm nay sản lượng vàng trên thế giới lại tiếp tục giảm sút. Công ty khai thác mỏ Gold Fields Limited là công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới của Nam Phi cho biết sản lượng có thể giảm 20% trong quý II năm nay sau khi bị công ty điện lực Nhà nước Eskom (Nam Phi) áp đặt giảm 10% lượng điện tiêu thụ đối với các mỏ vàng của Nam Phi trong vòng 4 năm. Trong quý I sản lượng vàng của công ty này đã giảm 20-25% so với quý IV/2007.
Sản lượng khai thác vàng trên thế giới giảm trong khi nhu cầu về vàng lại tăng lên. Theo Hiệp hội vàng thế giới, Ấn Độ hiện là nước tiêu thụ vàng cao nhất thế giới với 722 tấn/năm, tiếp sau là Trung Quốc và Mỹ đứng thứ 3 với 278 tấn. Điều này sẽ gây thêm áp lực cho cán cân cung-cầu.
Xu hướng giảm sản lượng vàng trên thế giới đã được tiên liệu từ trước. Ngay vào năm 2002 tổ chức tư vấn Beacon Group Advisors đã công bố một công trình nghiên cứu dự báo về một sự giảm sút sản lượng vàng trong vòng 5-8 năm sau.  Lý do giảm sản lượng đơn giản chỉ là vì ngân sách khai thác vàng đã bị cắt giảm  tới 67% vì thực tế là các chương trình khai thác không đem lại lợi nhuận vì giá vàng thời kỳ này chỉ có 350 USD/ounce.
Những yếu tố tác động đến thị trường vàng
Có 4 nguyên nhân chính tác động đến thị trường vàng sau đây:
1. Địa chính trị: Nhìn vào biểu đồ diễn biến giá vàng trên thế giới 30 năm qua ta thấy rõ các mốc thời điểm vàng tăng giá đều gắn liền với các bất ổn chính trị như: sự kiện 11/9, cuộc chiến ở Afghanistan, ở Iraq, và các thảm hoạ do thiên tai gây ra. Khủng bố lan rộng trên phạm vi toàn cầu, chiến tranh khu vực, thiên tai… tạo ra tâm lý lo sợ, bất an đối với các nhà đầu tư và người tiêu dùng nên họ bỏ tiền ra mua vàng vào cất trữ.
2. Mối quan hệ khăng khít với đồng đô la và giá dầu thô trên thế giới. Trong một thời gian dài đồng đô la mất giá liên tục đã làm cho nhu cầu tích trữ vàng tăng lên, do đó đẩy giá vàng tăng cao. Nhiều nước thay vì dự trữ ngoại tệ bằng đô la, đã chuyển sang dự trữ bằng vàng để đảm bảo an toàn nguồn dự trữ chiến lược, như Trung Quốc dự định tăng dự trữ vàng từ 600 T lên 2.500 T, Nga tăng dự trữ vàng lên 500 T…
3. Xu hướng đầu cơ tăng lên. Do cung không đáp ứng đủ cầu nên giá vàng tăng lên và các nhà đầu cơ tìm cách ôm vàng vào cất trữ. Theo Hội đồng vàng thế giới thì nguồn cung chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thị trường.  Các nước vùng Vịnh đã chuyển ngoại tệ dự trữ bằng đô la sang bằng vàng cũng làm tăng cầu trên thị trường. Năm 2007 các quỹ đầu cơ đã mua vào 630 tấn, tăng 39%. Năm 2008 lượng đầu cơ mua vào chắc còn cao hơn.
4. Nhu cầu sử dụng vàng trang sức ngày một tăng nhất là ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Để giúp thị trường ổn định Hiệp hội các ngân hàng châu Âu đã ký một hiệp định hạn chế số lượng vàng bán ra thị trường chỉ ở mức 500 T /năm.
Thị trường vàng Việt Nam
Việt Nam hàng năm nhập khẩu khoảng trên 50T vàng trong vòng 5 năm qua. Theo Hiệp hội kinh doanh vàng bạc đá quý, năm nay có thể VN nhập khoảng 80T để đáp ứng nhu cầu trong nước đang tăng cao. Tuy nhiên riêng quý I cả nước đã nhập 40 tấn, trong đó TCT Kinh doanh vàng bạc đá quý SG (SJC) đã nhập 15T, Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận nhập 3 tấn. Vàng được sản xuất trong nước hàng năm được giới hạn ở mức 40-45T (trong vòng 3 năm qua) và riêng năm nay NHNN đã hạn mức sản xuất vàng miếng là 63,4 T, trong đó SJC được sản xuất 50T. Từ đầu năm đến nay SJC đã đúc được 800.000 lượng vàng, tương đương 30 tấn vàng.
Hiện nay SJC chiếm 80% thị trường vàng Việt Nam, ngoài ra còn có khoảng 10 DN có quy mô lớn cùng với 3000 DN kinh doanh vàng vừa và nhỏ .
Nhìn lại trong thập kỷ qua giá vàng ở nước ta liên tục tăng lên theo trào lưu chung của giá vàng thế giới. Trong giai đoạn 1996-2000 giá vàng tăng 6,16%, và đã tăng vọt thời kỳ 2000-2005 lên 102,07% và giá vàng đã vượt ngưỡng 1,5 triệu đồng/chỉ vào 12/5/2006. Cuối tháng 12/2006 giá vàng đã tăng lên 1,6 triệu đồng một chỉ. Từ đó đến nay vàng liên tục leo thang và hiện đang ở mức trên dưới 1,8 triệu đồng/chỉ. Thị trường vàng trở nên sôi động hơn bao giờ hết và lần đầu tiên sàn giao dịch vàng đã ra đời ở Tp HCM. Các dịch vụ như “đầu tư vàng cùng ngân hàng” cũng được đưa ra áp dụng tại sàn giao dịch vàng của ngân hàng cổ phần Á châu.
Do quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế ngày một sâu rộng nên mọi biến động trên thị trường thế giới sẽ tác động trực tiếp đến thị trường Việt Nam. Biến động giá vàng thời gian qua ở thị trường trong nước cho thấy rõ điều đó khi giá vàng thế giới lên đỉnh cao trên 1000 USD/ounce thì giá vàng trong nước cũng đã đạt tới gần 2 triệu đồng một chỉ.
Tuy nhiên vàng không nằm trong giỏ giá hàng tiêu dùng nên biến động giá vàng không ảnh hưởng mấy đến đời sống của người dân. Nó chỉ tác động lớn tới tâm lý nhà đầu tư và những người đầu cơ kiếm lời.
Trong các yếu tố tác động tới thị trường vàng ở nước ta thì ngoài yếu tố biến động giá vàng thế giới như đã nêu trên thì yếu tố tâm lý đầu cơ có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Do đồng đô la mất giá, thị trường chứng khoán tụt dốc và đang ngoi dần lên mốc 600 điểm (không đầy một nửa so với thời kỳ đỉnh cao gần 1200 điểm) nên nhiều người đổ xô đi mua vàng. Mặt khác khi giá vàng lên quá cao thì thị trường bất động sản không còn qui theo vàng nữa, thước đo mà từ lâu được áp dụng trên thị trường nhà đất.
Một điều dễ nhận thấy là giá vàng trong nước lên xuống không đồng nhịp với giá vàng thế giới, thậm chí đôi khi cao hơn giá vàng thế giới. Điều đó được giải thích chủ yếu do tâm lý đầu cơ khá mạnh kích giá vàng lên cao.
Thị trường vàng tiếp tục còn diễn biến phức tạp, nó chịu tác động mạnh của giá vàng thế giới, của nền kinh tế Mỹ và sức mạnh của đồng đô la. Nhiều chuyên gia cho rằng diễn biến trên thị trường vàng thật khó lường và giá vàng khó có đột biến như trong thời gian qua, tuy nhiên chưa có dấu hiệu ổn định. Các nhà đầu tư vàng hãy nên thận trọng với những quyết định của mình.
 

Nguồn: Internet