Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố "Báo cáo năm 2008 về tình hình lao động trên thế giới" cho biết cũng như hầu hết các nước khác trên thế giới, khoảng cách thu nhập của người lao động ở Inđônêxia không ngừng gia tăng trong suốt hai thập kỷ qua.
Báo cáo trên, được đưa ra trên cở sở nghiên cứu tại hơn 70 nước phát triển và đang phát triển trên thế giới, cho thấy tại 2/3 số nước này, khoảng cách thu nhập giữa người giàu với tầng lớp trung lưu và nghèo ngày càng nới nộng, đặc biệt tại Inđônêxia, tình trạng này đang ngày một thêm trầm trọng với tốc độ ngày càng lớn. Ekkehard Ernst, nhà kinh tế hàng đầu của Viện Nghiên cứu Lao động Quốc tế thuộc ILO, nêu rõ tại Inđônêxia, tỷ lệ người lao động làm việc trong các khu vực không chính thức vẫn rất cao và tiếp tục tăng, đồng thời cho rằng sự gia tăng trong các các loại hình công việc không chính thức là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng mất bình đẳng trong thu nhập của người lao động. Theo ông, sự chênh lệch trong thu nhập là cần thiết để khuyến khích sự nỗ lực, sức sáng tạo và tài năng trong công việc, song ông cảnh báo bất bình đẳng quá mức có thể dẫn tới tình trạng bất ổn xã hội và không hiệu quả về kinh tế.
Trong khi đó, báo "Bưu điện Giacácta" số ra cuối tuần qua dẫn lời ông Bambang Widianto, quan chức cấp cao của Cục Kế hoạch Phát triển Quốc gia Inđônêxia, cho hay trong số 49,67 triệu lao động nước này, có tới khoảng 70% làm việc trong các khu vực không chính thức, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với thu nhập trung bình 603.000 rupiah/tháng, chỉ bằng khoảng 25% thu nhập 2,4 triệu rupiah/tháng của một người làm tại doanh nghiệp vừa và lớn. Điều này cho thấy rõ sự mất bình đẳng, đó là chưa kể từ năm 1999 đến nay, mức lương trung bình của một người làm việc trong khu vực chính thức đã tăng 20%, trong khi khu vực không chính thức hầu như không tăng.
Ông Sofjan Wanandi, một quan chức nhà nước Inđônêxia, cho biết ông cũng nhận thức được tình trạng khoảng cách thu nhập ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo ở nước này, song cho rằng khoảng cách này vẫn còn thấp hơn nhiều so với ở Mỹ và cách tốt nhất để thu hẹp khoảng cách đó là các doanh nghiệp chính thức phải mở rộng cửa cho người lao động.
Kee Beom Kim, làm việc tại Văn phòng Giacácta của ILO dự đoán sẽ có từ 170.000 đến 650.000 công nhân Inđônêxia sẽ bị mất việc làm trong năm tới, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo đó làm tăng tỷ lệ người thất nghiệp ở nước này thêm 1 điểm phần trăm, so với mức 8,46% hiện nay.

Nguồn: Internet