Châu Á đang trỗi dậy nhanh và mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu hơn bất kỳ khu vực nào, với tốc độ phát triển của khu vực này ước đạt 2,8% vào năm nay và 5,8% vào năm 2010.

Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân hàng Thế Giới sẽ diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6-7/10

Giám đốc Vụ Tây Bán cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Anoop Singh đưa ra nhận định trên trong cuộc họp báo hôm nay (4/10), tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, trước thềm Hội nghị thường niên IMF và Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo ông Singh, sự phục hồi của kinh tế châu Á là kết quả từ những chính sách hữu hiệu như tăng chi tiêu chính phủ, điều chỉnh chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tài chính. Ngoài ra, các gói kích thích tài chính và kích cầu cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Khu vực châu Á đã phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề cả về thương mại và tài chính trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như sụt giảm nghiêm trọng kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và sản xuất công nghiệp.

IMF dự báo đầu tư công sẽ chiếm một nửa tổng giá trị tăng trưởng của khu vực, bù đắp cho sự sụt giảm về xuất khẩu.  

Tuy nhiên, ông Singh cũng cảnh báo chính phủ các nước châu Á không nên nhanh chóng thu hồi các chính sách kích thích kinh tế ngay lập tức. 

Ông Singh cũng kêu gọi, lãnh đạo các nước nên tập trung kích thích nhu cầu trong nước, bởi “động lực của châu Á nằm chính ở bản thân châu lục".

Châu Á có thể được hưởng thêm nhiều quyền lợi hơn từ các cam kết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 giúp tăng cường quyền bỏ phiếu cho các nước đang phát triển, nâng cao tiếng nói của châu lục tại IMF và vai trò quyết định đối với nền kinh tế toàn cầu.

Từ 4-10/9, khoảng 13.000 đại biểu gồm Bộ trưởng tài chính, Thống đốc ngân hàng trung ương và các quan chức lãnh đạo tới từ 186 quốc gia quy tụ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ tham dự Hội nghị thường niên của IMF và WB 2009.

Chương trình nghị sự tại Istanbul lần này sẽ tập trung vào vấn đề triển vọng nền kinh tế thế giới, xoá bỏ đói nghèo, phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả viện trợ phát triển.

Nguồn: Internet