Trong đó :

- Công nghiệp nhà nước trung ương đạt 6.537,1 tỷ đồng, tăng 5 % so với cùng kỳ năm 2007, đạt 102 % kế hoạch cả năm. ( không kể các đơn vị hoạch toán phụ thuộc).

- Công nghiệp địa phương ước thực hiện 3.988,3 tỷ đồng, so với năm trước tăng 15,9%, thực hiện 98,7% kế hoạch cả năm .Trong đó một số huyện, thành phố có giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao như: TP Hải Dương 30%, huyện Tứ kỳ 33,2%, huyện Kim Thành 31,7%; huyện Gia Lộc 30,5%; huyện Cẩm Giàng 21,2%; huyện Kinh Môn tăng 20,0%, một số huyện có tốc độ tăng trên 10% như Bình Giang tăng 18,5%; Thanh Hà 16,3%; Chí Linh 15%; Nam sách 13,8%; Ninh Giang 12,9%, riêng huyện Thanh Miện có tốc độ tăng chậm 7,9%.

- Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 7.574,1 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 24,1%; thực hiện được 96,2 % kế hoạch năm ( có biểu kèm theo).

Một số sản phẩm Công nghiệp chủ lực vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao so với năm 2007 như: may mặc tăng 13,9%, ô tô lắp ráp tăng 35,8%;  dây cáp điện tăng 42,4%, gạch Ceramic tăng 61,3%. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làm từ da, giả da; sản phẩm gỗ, tre đều giữ được tốc độ tăng trưởng khá. Một số sản phẩm giảm so với năm trước như: xi măng giảm 1,3%; điện thương phẩm giảm 1,5%; đá khai thác loại giảm 28,1%.

- Công nghiệp nông thôn, làng nghề đã đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông thôn, thu hút lao động tại chỗ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống dân cư xoá đói, giảm nghèo, phân công lại lao động trong nông nghiệp, và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Nhiều làng duy trì và mở rộng được ngành nghề truyền thống, một số làng phát triển thêm nghề mới đóng góp không nhỏ các mặt hàng cho xuất khẩu. Các làng nghề vẫn không ngừng tăng về số lượng và quy mô, năm 2008 đã có thêm 10 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, nâng tổng số lên 51 làng nghề được cấp bằng.

  - Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2008 vượt dự toán được giao. Tổng thu ngân sách 3.360 tỷ đồng, thu nội địa ( không kể xổ số)  ước đạt 2.850 tỷ đồng, trong đó công nghiệp đóng góp 1.705 tỷ đồng, chiếm  gần 60% thu ngân sách của toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 606 triệu USD, vượt kế hoạch 49,2%, so với năm trước tăng 79,8 %. Trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm công nghiệp và TTCN là 540  triệu USD, chiếm khoảng 90%. Năm 2008, ngành công nghiệp tiếp tục đóng góp tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tỷ trọng công nghiệp- xây dựng 43,8%,( trong đó công nghiệp chiếm 38% GDP của tỉnh).

Đến nay Hải Dương đã quy hoạch 10 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.719 ha. Với chính sách thông thoáng, ưu đãi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với lợi thế vị trí thuận lợi, Hải Dương đã thu hút nhiều nhà đầu tư vào khu công nghiệp. Đến hết tháng 10/2008 đã thu hút 350,2 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 37 dự án ( tăng 9 dự án), tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2007. Ước tính vốn đầu tư thực hiện của các dự án năm 2008 đạt 300 triệu USD, tăng 27,6% so với năm trước. Có thêm 18 dự án mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2008 trên địa bàn tỉnh có 194 dự án ĐTNN với số vốn đăng ký 2 tỷ 183,5 triệu USD, trong đó có 111 dự án đã đi vào hoạt động, thu hút trên 6,3 vạn lao động trực tiếp. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án đạt 1 tỷ 54,6 triệu USD, bằng 48,3 % tổng vốn đăng ký.

Đồng thời tỉnh đã quy hoạch và đang thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 35 cụm công nghiệp, tổng diện tích 1.402,6 ha. Các cụm công nghiệp đã thu hút 274 dự án thuê đất 490 ha (chiếm 58% diện tích đất công nghiệp), vốn đầu tư 4.639 tỷ đồng, thu hút 51.434 lao động.

Phát triển các khu, cụm công nghiệp đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến và xuất khẩu, đáp ứng các mục tiêu tạo đà tăng trưởng công nghiệp bền vững, tăng khả năng thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh  tế quốc tế.

 (TTXTTM Hải Dương)

Nguồn: Vinanet