Chủ tịch WB Robert Zoellick thừa nhận cuộc khủng hoảng lương thực có thể khiến quá trình xóa nghèo của thế giới bị thụt lùi tới bảy năm khi 100 triệu người có thể bị đẩy vào nghèo đói. Còn tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn cho biết ông đã nghe nhiều quan chức nói việc phương Tây tập trung vào nhiên liệu mà bỏ mặc lương thực (đặc biệt việc phát triển nhiên liệu sinh học) là một "tội ác chống loài người". Ông Strauss-Kahn khẳng định những khó khăn như thế này trong lịch sử đã dẫn đến chiến tranh.
Tại hội nghị, WB đã phát động một chiến dịch xóa đói giảm nghèo mới. Chiến dịch mang tên "Thỏa thuận mới" này có qui mô ngang tầm với chương trình giải quyết những hậu quả của cuộc đại suy thoái do tổng thống Theodore Roosevelt khởi xướng thời khủng hoảng kinh tế những năm 1930. Một trong những biện pháp quan trọng của "Thỏa thuận mới" là khuyến khích các chính phủ đầu tư 1% tài sản quốc gia vào châu Phi nhằm làm dịu tác động do nền kinh tế thế giới suy giảm đối với những quốc gia dễ bị tổn thương nhất này. Ước tính đề xuất này có thể đem lại 30 tỉ USD hỗ trợ sự tăng trưởng của "lục địa đen". WB cũng dự kiến tăng gần gấp đôi các khoản cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ở châu Phi lên tới 800 triệu USD.
Ngoài ra, Chủ tịch WB Robert Zoellick cũng kêu gọi các nước viện trợ nhiều hơn để cung cấp lương thực cho người nghèo và nông dân. Ông kêu gọi các chính phủ nhanh chóng thực thi các cam kết đóng góp cho Tổ chức Nông lương của LHQ 500 triệu USD dưới hình thức viện trợ khẩn cấp, với hạn chót là ngày 1-5. Hiện WB đang cung cấp tiền trợ giúp nông dân nghèo nhiều nơi mua hạt giống cho vụ mùa sắp tới.
Cho đến nay đã có bạo loạn lương thực ở một số nước, trong đó có Haiti, Philippines và Ai Cập. Theo Bloomberg, từ đầu năm tới tháng ba, giá gạo đã tăng 74%, giá lúa mì tăng tới 130%.
Theo các chuyên gia, đặc điểm của cuộc khủng hoảng hiện nay xuất phát từ tình trạng "lạm phát nông phẩm". Cuộc khủng hoảng không xuất phát từ sự thiếu thốn mà ngược lại bắt nguồn từ sự giàu có. Nói cụ thể hơn thì tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ đã làm tăng nhu cầu lương thực. Ngoài ra dòng vốn toàn cầu, do sự suy yếu của đồng USD, hiện đang được đổ vào thị trường lương thực. Làn sóng phát triển các nguồn năng lượng sinh học sử dụng ngô và đậu tương cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá lương thực thế giới tăng cao.
 

Nguồn: Internet