Các chuyên gia cảnh báo toàn thế giới đang mê mải đối phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ngày một trầm trọng, đã và sẽ làm tiêu hao nhiều sức lực cần thiết để ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt lương thực. Thế giới sẽ còn mất nhiều thời gian để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và sự hỗn loạn trên thị trường tài chính tiếp tục làm rung chuyển tình hình an ninh lương thực, khiến các th nông sản trở nên mong manh hơn.
 
Nhiều nguyên nhân khác nhau
Theo báo cáo Triển vọng Lương thực mới nhất của Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp Quốc (FAO), giá lương thực tăng cao trong giai đoạn 2005-2007 đã góp phần đẩy 75 triệu người vào cảnh thiếu ăn, làm tăng số người bị suy dinh dưỡng trên thế giới lên 923 triệu người.
Việc khắc phục khủng hoảng lương thực thế giới đầu năm 2008 chưa triệt để thì cơn khủng khoảng tài chính nổ ra, đẩy kinh tế thế giới vào thời kỳ suy thoái dài càng khiến cho mối an ninh lương thực bị đe dọa.
Nguyên nhân là do dân số tăng, thiếu hụt nguồn nước và năng lượng cho sản xuất không được đảm bảo. Các chuyên gia cũng cho rằng, khí hậu thay đổi, sản xuất thực phẩm và thủy sản tại một số quốc gia giảm đã khiến cho an ninh lương thực thực phẩm càng bị tổn thương.
Theo ông Fang Cheng, nhà kinh tế cao cấp của FAO, tất cả nhân tố phi truyền thống như sự phát triển các loại nhiên liệu sinh học và biến đổi khí hậu đã cùng tác động tiêu cực tới an ninh lương thực toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã gióng lên tiếng chuông báo tử đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, làm suy giảm các điều kiện sống của người dân ở các khu vực nông thôn vốn dễ bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Trong khi đó, một nguyên nhân nữa là sự phát triển của các lợi nhiên liệu sinh học làm từ các loại cây lương thực. Sản xuất nhiên liệu sinh học đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2000-2007 và nhu cầu đối với mía đường, ngô và hạt có dầu – các nguyên liệu thô để sản xuất nhiên liệu sinh học - dự kiến tiếp tục tăng trong 10 năm tới, một nhân tố sẽ góp phần đẩy giá lương thực tăng cao.
Tổng giám đốc FAO Jacques Diouf cảnh báo sự phát triển của các loại nhiên liệu đa dạng làm biến đổi vai trò của đất nông nghiệp và làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông hối thúc các nước liên quan xem xét vấn đề lương thực trong việc hoạch định chính sách của họ.
 
Thị trường lương thực bất ổn
Theo thư ký của Tổ chức liên chính phủ về ngũ cốc của FAO, Abdolreza Abbasian, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay sẽ tiếp tục tác động tiêu cực tới tìn hình an ninh lương thực và thị trường nông sản về mặt sản xuất và tiêu thụ.
Những bất ổn trên các thị trường lương thực trong năm 2009 gia tăng do cuộc khủng hoảng tín dụng ở những quốc gia sản xuất lương thực lớn như Mỹ, châu Âu và Braxin, có thể làm giảm hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, nhưng bất ổn tài chính tiếp tục ảnh hưởng bất lợi tới sức mua. Nhiều người sẽ chuyển sang sử dụng các loại lương thực giá rẻ hơn và làm lượng dinh dưỡng thấp hơn, qua đó có thể dẫn tới tình trạng số người bị suy dinh dưỡng gia tăng, nhất là tại các nước nghèo.
Các nước giàu đã cam kết viện trợ 20 tỷ USD trong hội nghị thượng đỉnh lương thực của FAO diễn ra hồi tháng 6/08 tại Rôma (Italia), để giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng lớn nhất do tình trạng thiếu hụt lương thực, nhưng đến nay họ mới cung cấp chưa đến 200 triệu USD.
Theo ông Abbassian, do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước giàu có thể quên những cam kết đưa ra tại Rôma nếu cuộc khủng hoảng trên thị trường tiền tệ kéo dài mà không có một dấu hiệu rõ ràng về một sự kết thúc nhanh chóng.
 
Trật tự trong lĩnh vực nông nghiệp
Nhiệm vụ chủ chốt của nông dân trên thế giới là tăng cường sản xuất để cung cấp lương thực cho dân số đang tăng mạnh chưa từng thấy. Theo ông Diouf, sản xuất lương thực cần phải tăng gấp đôi vào năm 2050 để cung cấp cho 9 tỷ người. Ông Diouf đã đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào nửa đầu năm 2009 để thiết lập một trật tự nông nghiệp mớivà huy động 30 tỷ USD/năm nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt lương thực trên thế giới.
Trải qua hơn 60 năm hoạt động, chưa bao giờ FAO lại bị một sức ép về đẩy mạnh nâng cấp một nền nông nghiệp mới nhằm bảo đảm an ninh lương thực như hiện nay.
Tổng giám đốc của FAO cho rằng, giải quyết khủng hoảng lương thực là một việc làm tổng lực, yêu cầu có sự kết hợp cả vấn để cây giống, trợ cấp nông nghiệp, xóa bỏ rào cản thương mại, thuế quan để giúp ngành lương thực thế giới, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.
Theo ông Diouf, hội nghị trên có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo ta một hệ thống mới cảu an ninh lương thực thế giới. FAo phải điều chỉnh cơ chế hiện nay, vốn đã gây ra sự mất an ninh lương thực do sự bóp méo thị trường quốc tế xuất phát từ các chính sách trợ giá nôgn nghiệp, thuế quan và hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, cũng như từ sự phân phối bất hợp lý các nguồn trợ phát triển chính thức và ngân sách quốc gia của các nước đang phát triển.

Nguồn: Vinanet