Năm 2010, kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc. Ở phương diện rộng hơn, các chuyên gia chỉ ra rằng, Nam Á có thể mở rộng với tốc độ nhanh hơn Đông Á.

Trong khi nhiều nhà phân tích tin là Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng nhiều hơn bất kể một nền kinh tế lớn nào trên toàn cầu ở tương lai có thể dự đoán được, thì cũng có người tranh luận rằng, tỉ lệ tăng trưởng ở hai quốc gia đông dân nhất thế giới có xu thế thay đổi và rằng Ấn Độ sẽ vượt qua kinh tế Trung Quốc thậm chí nhanh hơn dự đoán.

Trung Quốc và Ấn Độ, ước tính chiếm khoảng 40% trong tổng dân số trên 6,5 tỉ người trái đất, sẽ không chỉ là hai nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất trong thế giới hiện tại, mà còn nằm trong số ít quốc gia tiếp tục mở rộng vào thời điểm hầu hết các nền kinh tế khác sụt giảm.

Biến chuyển

Đầu những năm 1950, tính về thu nhập bình quân theo đầu người và mức độ phát triển kinh tế, có sự khác biệt không lớn giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Một nửa dân số của cả hai nước đều lâm vào cảnh nghèo đói.

Từ thập niên 70, kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triển nhanh chóng trong khi kinh tế Ấn Độ tăng trưởng chậm chạp ở mức trung bình khoảng 3,5%.

Khi tăng trưởng Trung Quốc liên tục trong nhiều thập niên đạt mức hai con số, các nhà kinh tế học đã nói về cái gọi là phát triển bong bóng, và nghi ngờ về dữ liệu đưa ra. Nhưng "con rồng ẩn mình" vẫn tiếp tục phát triển ngày một lớn hơn và "phớt lờ" mọi dự đoán.

Kinh tế Ấn Độ bắt đầu đẩy mạnh từ đầu những năm 90 khi New Delhi bắt đầu nới lỏng kiểm soát trong công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Giữa thập niên 90, lần đầu tiên kể từ khi Ấn Độ giành độc lập vào tháng 8/1947, kinh tế nước này mở rộng ở mức trung bình hàng năm là hơn 9% trong bốn năm liên tiếp. Chỉ tới khi ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu, kinh tế Ấn Độ mới phát triển chậm lại.

Các nhà kinh tế học cho rằng, một lý do để kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc trong tương lai gần đơn giản chỉ là, con số thống kê đưa ra được mô tả là "cơ sở hiệu quả".

Theo lập luận này, tỉ lệ tăng trưởng của Ấn Độ sẽ cao hơn vì cơ sở của tỉ lệ này được tính toán chặt chẽ hơn.

Kinh tế Trung Quốc lớn hơn ba lần rưỡi Ấn Độ. GDP năm 2008 của hai nước đứng ở mức 4,2 nghìn tỉ USD và 1,2 nghìn tỉ USD.

Có một lý do quan trọng giải thích vì sao kinh tế Ấn Độ ít bị ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hơn so với Trung Quốc, nước mà tốc độ tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu trong vài thập niên gần đây.

Cả xuất khẩu và nhập khẩu (kể cả nguồn thu "vô hình" từ khách du lịch, tiền gửi của lao động ở nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ) chiếm xấp xỉ một nửa GDP của Ấn Độ trong khi tỉ lệ này với Trung Quốc là trên 80%.

Thay đổi dự báo

Hai năm trước đây, Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Vào tháng sáu, Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo Phát triển Tài chính toàn cầu 2009 dự báo, năm 2010, tỉ lệ tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ ở mức 8% và nhanh hơn Trung Quốc, dự báo là 7,7%.

Dự báo của ngân hàng này về sự phát triển năm nay đều được thay đổi theo hướng gia tăng với cả Trung Quốc (từ 6,5% lên 7,2%) và Ấn Độ (từ 4% lên 5,1%) nhưng con số dự đoán này đều thấp hơn ước tính mà chính phủ mỗi nước đưa ra.

Trung Quốc đưa ra dự báo tăng trưởng là gần 8% năm 2009, trong khi chính phủ Ấn Độ đưa ra con số từ 6,5-7%.

Trong báo cáo đưa ra, Ngân hàng Thế giới cho hay, tỉ lệ tăng trưởng của toàn bộ các nước đang phát triển giảm từ 8,1% năm 2007 xuống còn 5,9% năm 2008 và thậm chí chỉ còn 1,2% trong năm nay.

"Nếu không tính Trung Quốc và Ấn Độ, GDP ở các nước đang phát triển có thể xuống còn 1,6% vì tỉ lệ thất nghiệp vẫn gia tăng, đẩy thêm nhiều người vào cảnh nghèo đói", WB nhấn mạnh.

Theo Justin Lin, nhà kinh tế học cấp cao của WB thì, các nước đang phát triển có thể "là động lực dẫn dắt" trong phục hồi kinh tế thế giới bởi "sự phục hồi trong đầu tư quốc nội với hỗ trợ của quốc tế bao gồm cả tốc độ phát triển trở lại của dòng chảy tín dụng quốc tế".

Trong cuộc hội thảo gần đây ở New Delhi, Ajay Chibber - Trợ lý Tổng thư ký Chương trình Phát triển của LHQ nói, sẽ khó hình dung ra việc Ấn Độ có thể phát triển nhanh hơn Trung Quốc". "Tôi chưa từng bao giờ nghĩ điều đó xảy ra trong đời mình, nhưng Nam Á có thể tăng trưởng nhanh hơn Đông Á", ông cho biết.

Kalpana Kochhar, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định, sẽ không quá lâu để thấy Ấn Độ có thể tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc hoặc Nam Á có thể mở rộng ở tốc độ nhanh hơn Đông và Đông Nam Á. "Tôi nghĩ đây là khả năng dễ thấy", bà nhấn mạnh.

Vietnamnet

 

Nguồn: Internet