Nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh là Braxin đã không thể miễn nhiễm với cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu hiện nay cho dù nhiều yếu tố cho thấy nước này sẽ tránh được sự suy thoái mà nhiều nước giầu đang đối mặt và đạt được mức tăng trưởng hợp lý nếu cuộc khủng hoảng không trầm trọng hoặc kéo dài hơn dự kiến.
Quá trình giảm tốc kinh tế được biểu hiện rõ qua những dự đoán về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Braxin trong năm 2009, chỉ ở mức 2,4% theo giới phân tích bảo thủ của thị trường tài chính, hoặc 3,2% theo Ngân hàng Trung ương Braxin (BoB). Tổng thống Lula da Silva cũng đưa ra con số 4% song khẳng định đây là mục tiêu chứ không phải dự đoán.
Các con số trên rõ ràng là thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 5,5% của Braxin trong năm 2008. Trong 3 quý đầu năm 2008, kinh tế Braxin thậm chí còn tăng trưởng ở mức 6,4% song những chỉ số của 3 tháng cuối năm đã cho thấy cuộc khủng hoảng cuối cùng đã xuất hiện ở nước này.
Những mặt hàng giá trị cao và có thời gian sử dụng lâu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các khoản tín dụng đang ngày càng trở nên khan hiếm. Ví dụ, cụ thể nhất là ngành công nghiệp ô tô trong tháng 11/08 đã giảm tới 34,4% so với tháng trước đó và 28,6% so với cùng kỳ năm 2007.
Trong tháng 11/08, Braxin đã mất 40.800 việc làm và đây là kết quả tiêu cực đầu tiên vào tháng 11 trong suốt 6 năm điều hành đất nước của ông Lula, vì đây thường là thời điểm tạo thêm nhiều việc làm do tiêu thụ tăng cao trước thềm năm mới.
Cuộc khủng hoảng "nhập khẩu" hiện tại cũng nêu bật một yếu tố rất riêng của Braxin. Trong khi các ngân hàng trung ương khác đang nỗ lực hạ thấp lãi suất cơ bản và thực tế đã xuống mức 0% tại nhiều nước công nghiệp phát triển, thì các thể chế cấp tín dụng Braxin vẫn giữ lãi suất ở mức 13,75%, được coi là mức cao nhất thế giới hiện nay.
Một mối lo khác là việc đồng real của Braxin đã mất giá hơn 30% kể từ tháng 8/08, điều làm tăng lạm phát vào khoảng 6% năm 2008 theo tính toán sơ bộ. Các chuyên gia của BoB cho rằng yếu tố này sẽ được trung hòa bởi việc giá lương thực, xăng dầu và các mặt hàng nguyên liệu khác sụt giảm mạnh trên thị trường thế giới. Các quan chức tài chính của Braxin, nổi tiếng với tính bảo thủ cố hữu, còn chịu nhiều chỉ trích từ tính chất rất thiếu ổn định của hoạt động trao đổi tiền tệ, làm ảnh hưởng tới cơ cấu của nền kinh tế.
Tỷ giá hiện tại của đồng real so với USD đã giảm xuống 2,3 real/USD từ mức 1,56 real /USD hồi đầu tháng 8/08. Tuy vậy, đồng real mất giá theo nghĩa nào đó đang "sửa sai" việc định giá đồng tiền này quá cao trong những năm qua, yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu của Braxin, nhất là đối với những mặt hàng công nghiệp. Tác động của khủng hoảng tới xuất khẩu của Braxin phần nào sẽ được dịu bớt nhờ doanh thu cao hơn bằng đổng real, ít nhất là đối với các doanh nghiệp.
Với thị thường xuất khẩu đa dạng, Braxin có lẽ sẽ chịu ít thiệt hại hơn do thương mại quốc tế suy thoái. Ngoài ra, với vai trò là nước xuất khẩu nhiều lương thực-nhu cầu tối quan trọng của con người- quốc gia Nam Mỹ này cũng ít bị tác động hơn trước quá trình giảm nhập khẩu của nhiều nước.
Giá dầu xuống thấp cũng không gây quấ nhiều lo lắng cho các nhà hoạch định chính sách của Braxin, nước vừa trở thành một quyền lực dầu lửa mới, cho dù họ có thể trì hoãn một vài kế hoạch xây dựng và khai thác các mỏ mới được phát hiện. Đơn giản là dẫu sao đây cũng là kho báu dành cho tương lai và chỉ có thể trở thành hiện thực trong vài năm tới, một quãng thời gian đủ dài để Braxin cân nhắc nên làm gì với trữ lượng thiên nhiên quý giá này.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam