Những số liệu kinh tế tốt đến không ngờ của các công ty trong vùng cùng sức tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán bất chấp dự báo của phần lớn các nhà phân tích báo hiệu rằng có lẽ điều tuyệt vời đã thực sự đến.
 
Báo cáo kinh tế từ Singapore, Philippines, Australia và Trung Quốc mang lại hy vọng rằng Châu Á đang trên đà hồi phục nhanh hơn hẳn Châu Âu và Mỹ, giúp khu vực này có thêm ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị.
 
Kể cả ở nước Nhật đang chìm sâu trong đợt suy thoái tồi tệ  nhất thập kỷ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Masaaki Shirakawa cũng đưa ra một dự báo đầy lạc quan vào phiên họp ngày thứ ba.
 
“Dường như kinh tế Châu Á đang tăng trưởng nhanh hơn,” ông nói. “Từ mùa xuân tới nay, hệ thống tài chính cũng đang đần cải thiện. Xu hướng chung là tốt lên.”
 
Dù vậy, Châu Á vẫn phụ thuộc nặng nề vào các dự án kích cầu của chính phủ. Xuất khẩu vẫn yếu, và nếu phương Tây, thị trường chính của hàng hóa Châu Á, tiếp tục suy yếu hoặc thị trường chứng khoán Châu Á đảo chiều, nguy cơ sẽ lại hiển hiện.
 
Những ngày này, giới kinh tế  đều cho rằng kinh tế đang cải thiện. “Mọi thứ giờ đều tốt hơn ba tháng trước,” nhà kinh tế chuyên về Châu Á tại Standard Chartered Hong Kong Simon Wong nói.
 
Trong suốt cuộc khủng hoảng năm ngoái làm lung lay hệ thống tài chính toàn cầu và  đẩy cả thế giới rơi vào suy thoái, Châu Á có một lợi thế lớn: các ngân hàng nơi đây không hề sở hữu các công cụ tài chính phức tạp đã khiến các ngân hàng phuơng Tây sụp đổ.
 
Chính phủ và doanh nghiệp Châu Á ở trong tình trạng tài chính tương đối tốt nhờ những cải cách sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-98.
 
Các nền kinh tế phụ  thuộc xuất khẩu tại Châu Á chịu tổn thất nặng nề khi doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ  và Châu Âu ngừng mua sắm, khiến xuất khẩu Châu  Á cuối năm ngoái sụt giảm mạnh.
 
Nhưng nhìn chung, Châu Á  phục hồi nhanh hơn nhiều so với kỳ vọng của phần lớn các nhà phân tích nhờ chính phủ chi tiêu mạnh tay để hỗ trợ cho nền kinh tế.
 
Trong mấy tuần gần đây, các công ty như Sony, Panasonic và Samsung ra báo cáo kết quả kinh doanh quý II tốt hơn, hay ít nhất là đỡ xấu hơn dự đoán. Huyndai Motor còn công bố mức lợi nhuận quý kỷ lục.
 
Mặc dù nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục cắt giảm việc làm, có lý do để cho rằng một số công ty lại đang tuyển thêm. “10 tháng qua thật khó khăn, nhưng trong 6-7 tuần nay, chúng tôi thấy tình hình việc làm ở khu vực ngân hàng đã đi lên, mặc dù với một xuất phát điểm rất, rất thấp,” Giám đốc điều hành của công ty tuyển dụng Hays ở Sydney Nigel Heap nói. “Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng rằng điều tồi tệ nhất ở Hong Kong và Singapore đã qua.”
 
Ở Châu Á, không đâu đáng nể như Trung Quốc. Sau nhiều năm tăng trưởng hai con số, nền kinh tế Trung Quốc năm nay gặp khó khăn.
 
Tuy vậy, nhờ gói kích thích khổng lồ, cắt giảm lãi suất mạnh mẽ và luồng tín dụng dồi dào từ các ngân hàng quốc doanh, nền kinh tế đã tăng trưởng khỏe mạnh trở lại.
 
Các số liệu tháng 7 do cơ  quan thống kê công bố thể hiện rõ điều này: sản luợng công nghiệp tăng 10,8% so với năm ngoái, trong khi đó bán lẻ tăng 15,2%.
 
Mặc dù sản lượng không tăng như mong đợi và xuất khẩu gặp thêm nhiều khó khăn, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs vẫn tin rằng Trung Quốc có thể lại tăng trưởng trên 10% ngay trong năm sau.
 
Tuần này, Goldman tăng dự  báo tăng trưởng cả năm nay của Trung Quốc lên 9,4%. Con số này tăng so với dự báo 8,3% trước đó và còn cao hơn cả mục tiêu 8% của chính phủ. Năm 2010, các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng tới 11,9%.
 
Không phải nhà kinh tế  nào cũng đồng tình với bức tranh tươi sáng đó. Đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải tiến hành tái cân đối.
 
Thị trường cổ phiếu và bất động sản tăng mạnh, tới hơn 80% với chỉ số chứng khoán Thượng Hải, khiến nhiều người lo ngại bong bóng đang thành hình. Các nhà phân tích cho rằng chính quyền giờ phải thắt chặt cho vay để giảm áp lực tăng giá.
 
Các số liệu công bố hôm thứ ba cho thấy dư nợ tín dụng tháng 7 giảm mạnh, nhưng cho đến nay đa phần các nhà kinh tế vẫn không lo lắng.
 
“Chúng tôi tin rằng đầu tư trong các tháng tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các khoản tín dụng đã triển khai,” Tao Wang, một nhà kinh tế của UBS tại Thượng Hải nói.
 
Xuất khẩu, chiếm tới 1/3 nền kinh tế Trung Quốc, tiếp tục gây thất vọng khi tháng 7 này khi giảm tới 23% so với cùng kỳ năm trước. Con số này nhỏ hơn dự đoán, cho thấy sức cầu từ nước ngoài đang dần hồi phục, tuy vẫn thấp hơn mức năm ngoái.
 
Cùng lúc đó, tốc độ hồi phục ở Châu Á không như nhau.
 
Ở Australia, chỉ số niềm tin kinh doanh đang ở mức cao nhất trong gần 2 năm, và ngân hàng trung ương ra tín hiệu có thể tăng lãi suất.
 
Ngược lại, Nhật Bản vẫn chìm sâu trong suy thoái. “Nền kinh tế toàn cầu đã phải chịu một cú sốc khủng khiếp,” Thống đốc Ngân hàng Trung ương Shirakawa nói. “Không thể hy vọng vào một sự phục hồi ấn tượng.”
 
 “Chúng ta đã chứng kiến một sự phục hồi ngắn hạn,” ông Wong, nhà kinh tế tại Standard Chartered nói.
 
“Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra trong dài hạn, làm thế nào để các nước như Trung Quốc và Indonesia không còn phụ thuộc vào xuất khẩu? Chưa ai dám quả quyết điều gì.”
 
 

Nguồn: Internet