Thủ tướng Merkel cho rằng nền kinh tế Đức sẽ gặp nhiều khó khăn vào năm 2009, tuy nhiên, do Đức là một "nước mạnh" với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong 16 năm qua, các sản phẩm có khả năng cạnh tranh và đặc biệt có lực lượng lao động tay nghề cao, nên Đức có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này. Trước đó, ngày 25/11, Bộ trưởng Tài chính Đức Peer Steinbrueck lần đầu tiên chính thức thừa nhận GDP của Đức có thể giảm tới 1,0% vào năm 2009. Trong khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Axel Weber dự báo kinh tế Đức sẽ tiếp tục suy thoái vào năm 2009.
Bà Merkel cũng kêu gọi các ngân hàng nhận gói cứu trợ của nhà nước để đảm bảo hoạt động vì đến nay, mới có ít ngân hàng nhận "phao cứu trợ" của chính phủ với số tiền đảm bảo khoảng 100 tỷ euro, trong đó 10 tỷ euro là khoản hỗ trợ tái tạo vốn. Bà cho rằng việc các thể chế tài chính từ chối hỗ trợ của chính phủ chỉ vì lý do uy tín là sai lầm, bởi việc đảm bảo đủ tín dụng cho các doanh nghiệp là trách nhiệm của các ngân hàng.
Bà Merkel đã lên tiếng phản đối việc cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập, bất chấp việc nhiều thành viên trong đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và lãnh đạo các doanh nghiệp kêu gọi cắt giảm VAT khi nền kinh tế Đức đã thực sự lâm vào suy thoái và lòng tin kinh doanh sụt giảm. Bà nhấn mạnh Đức sẽ không xem xét cắt giảm VAT cho tới sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9/2009.
Bộ trưởng Peer Steinbrueck cũng khẳng định Đức sẽ không lựa chọn biện pháp giảm thuế VAT như Anh đã thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Đầu tuần qua, Anh - nước châu Âu đầu tiên - thông báo cắt giảm VAT từ 17,5% xuống 15% nhằm đẩy mạnh chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, Đức và Pháp đã bác bỏ biện pháp này.
Cùng ngày 26/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã thông báo gói khuyến khích kinh tế và tạo việc làm trị giá 200 tỷ euro, tương đương 1,5% GDP của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cao hơn nhiều so với mức dự đoán 130 tỷ euro trước đó của Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Michael Glos. Theo ông Barroso, trong số 200 tỷ euro nói trên, các nước EU sẽ phải đóng góp 170 tỷ euro, số còn lại sẽ được huy động từ ngân sách cộng đồng và từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Kế hoạch này sẽ giúp thúc đẩy chương trình kinh tế của các nước thành viên và tránh xu hướng cạnh tranh lẫn nhau. Theo kế hoạch, ngành công nghiệp ôtô sẽ được nhận hỗ trợ 5 tỷ euro, thấp hơn nhiều so với mức đề nghị 40 tỷ euro của Ủy viên phụ trách công nghiệp châu Âu Guenter Verheugen hồi tháng 10 để phát triển công nghệ ôtô thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet cho biết ECB sẵn sàng cắt giảm lãi suất, song không cho biết số lượng và thời điểm sẽ cắt giảm. Báo "Làn sóng Đức" cho rằng tại hội nghị của Hội đồng điều hành ECB vào ngày 4/12 tới, ECB có thể sẽ hạ thấp lãi suất cho vay chủ chốt tối thiểu thêm 0,5%. Trong tháng 10 và 11 vừa qua, EC đã hai lần hạ lãi suất chủ chốt mỗi lần 0,5%, đưa mức lãi suất chủ chốt cho vay xuống còn 3,25%.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam