Tại một số dự án do nhà nước quản lý ở khu vực Mont Kiara ngoại ô Cuala Lămpơ, tiến độ xây đang đang chậm lại. Các nhà thầu xây dựng tại đây lo ngại về nguy cơ đóng băng trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở khi thị trường này bắt đầu chững lại. Tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang bắt đầu tràn vào Malaixia, với các ngành kinh tế chủ chốt đang có dấu hiệu tụt dốc. Người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Malaysia (MCB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 3,5%, nhưng sẵn sàng thay đổi một khi thị trường đòi hỏi. Trước sức ép lạm phát đang có chiều hướng giảm và nguy cơ tăng trưởng kinh tế đi xuống, MCB sẽ thay đổi chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho nền kinh tế. Lo ngại chủ chốt hiện nay của MCB là khu vực sản xuất phát triển mạnh của Malaixia đang bị ảnh hưởng nặng nề do xuất khẩu giảm sút. Chính phủ Malaixa dự kiến vào ngày 4/11 sẽ thông báo mức dự đoán tăng trưởng kinh tế mới thấp hơn mức 5,4 %, được đưa ra trước đó.
Các nhà kinh tế nhận định kinh tế Malaixia sẽ cảm nhận được toàn bộ gánh nặng của sự suy thoái trong năm tới, đồng thời dự báo tăng trưởng GDP của nước này sẽ đạt 3,3 % năm 2009, thấp hơn nhiều mức dự kiến 5,6% của năm nay. Còn hãng chứng khoán Macquarie, có trụ sở ở Ôxtrâylia, dự đoán xuất khẩu và giá hàng hóa giảm mạnh sẽ khiến tăng trưởng GDP của Mlaaixia giảm tới 1% trong năm tới.
Theo cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, kinh tế Malaixia đang dứng trước một tương lai "không suôn sẻ", do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu, trong bối cảnh hai thị trường này đang "ngập" trong suy thoái. Xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu giảm sút sẽ làm cho các nhà sản xuất thua thiệt, gây sức ép lên hệ thống tài chính trong nước, nơi mà khu vực bất động sản và tư nhân hiện nợ các ngân hàng tới 20 tỷ ringgit (5,54 tỷ USD).
Malaixai đang lâm vào khủng hoảng nhưng nước này có lợi thế hơn so với cuộc khủng hoảng khu vực năm 1997/98 vì mức nợ của khu vực tư nhân và nhà nước thấp hơn nhiều so với 10 năm về trước. Các nhà kinh tế ước tính nợ nước ngoài của Malaixia chiếm khoảng 33 % GDP, còn nợ trong nước chiếm 40% GDP. Lòng tin vốn dao động do tình hình lạm phát kể từ đầu năm nay càng bị xói mòn bởi sự tụt dốc của thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán Malaixia đã giảm 37% kể từ đầu năm. Giới phân tích nhận định kế hoạch của chính phủ tung tiền ra mua cổ phiếu của các công ty làm ăn kém hiệu quả chỉ làm cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn bán tháo cổ phiếu.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam