Kinh tế Singapore đang bắt đầu hồi phục sau khi tổng sản lượng GDP bị giảm 6,5% trong nửa đầu năm nay, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết như vậy. 
Trong bài diễn văn truyền hình nhân ngày Quốc khánh Singapore 9-8 được phát sóng hôm nay 8-8, Thủ tướng Lý nhận định sự suy giảm kinh tế trong nửa đầu năm 2009 là “không tệ như mọi người lo sợ”, và nhờ cuộc suy thoái toàn cầu đã dịu bớt cũng như những biện pháp tích cực của chính phủ, đảo quốc này đã bắt đầu thấy những tín hiệu hồi phục trong quý 2 vừa qua. 
Tuy thừa nhận năm nay kinh tế Singapore sẽ giảm từ 4% đến 6%, Thủ tướng Lý vẫn nhấn mạnh rằng, như thế vẫn tốt hơn là mức suy giảm dự báo 9% được chính phủ của ông đưa ra hồi tháng 7-2009. Theo ước tính của chính phủ Singapore, nếu so với quý 1, kinh tế quý 2 tăng trưởng ở tốc độ hàng năm là 20,4% và là quý đầu tiên có tăng trưởng trong vòng một năm qua; các nhà kinh tế độc lập thì đưa ra con số 19,2%. Tuy vậy, so với quý 2 năm ngoái thì quý 2 năm nay vẫn giảm 3,4% và không bù nổi khoản suy giảm 9,6% của quý 1, tính chung cả nửa năm thì kinh tế Singapore giảm 6,5%. 
Tìm con đường mới
Để vượt qua khủng hoảng, Singapore không chỉ ban hành chính sách kích cầu mà còn nỗ lực tìm những chiến lược mới để tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế phát triển khác. Hồi tháng 5-2009, Thủ tướng Lý đã cho thành lập Hội đồng Chiến lược kinh tế để tư vấn chính sách cho chính phủ. “Hội đồng sẽ xem xét bằng cách nào Singapore có thể tìm ra những cơ hội mới, xây dựng những năm lực mới, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và khắc phục những điểm yếu… Cơ hội vẫn đang có, nhất là ở châu Á”, ông Lý nói với người dân Singapore. 
Theo giới phân tích, dù ra sức tìm tòi phương hướng mới, Singapore vẫn sẽ kiên trì với mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu vì đảo quốc này không có khả năng thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Trong một báo cáo nghiên cứu ngày 30-7 vừa qua, các chuyên gia của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley nhận định: “Tỷ lệ thu nhập khả dụng của cá nhân trên tổng sản lượng GDP của Singapore khá thấp, do chính phủ kiên trì chính sách giữ giá lao động ở mức cạnh tranh và chế độ hưu bổng bắt buộc. Điều đó ngăn cản khả năng tăng trưởng tiêu dùng ở Singapore”. 
Cho đến nay, ngành dịch vụ của Singapore đã suy giảm ba quý liên tiếp; xuất khẩu giảm tháng thứ 14 liên tiếp và lượng du khách quốc tế đến đảo quốc này cũng giảm mạnh. Để ngăn chặn thất nghiệp, chính phủ Singapore phải chi tiền cho các doanh nghiệp để họ giữ lại nhân công và hạ thấp tiền lương thay vì sa thải. 

Nguồn: Internet