*Đẩy mạnh sản xuất giấy cho năm học mới

Hiệp hội giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, để chuẩn bị phục vụ năm họcmới, tháng 7/2009 sản xuất giấy đã được đẩy mạnh hơn, ước đạt 192 nghìn tấn.

Mặc dù, sản lượng này chỉ bằng 97,4% so với tháng 7/2008 nhưng lại tăng 7,7% so với tháng 6/2009. Sản phẩm giấy viết tăng cao nhất và đạt 90% kế hoạch tiêu thụ. Lượng tồn kho giấy các loại đã giảm gần 40 nghìn tấn.

*TTCK 3/8: Dòng tiền vào thị trường vẫn tốt

Tại sàn TP Hồ Chí Minh, phiên giao dịch đầu tuần được khởi động bằng sự giằng co giữa hai bên mua và bán cộng với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Kết thúc đợt khớp lệnh định kỳ, chỉ số VN- index tăng nhẹ 0.06 điểm, khối lượng giao dịch tăng, đạt hơn 5 triệu cổ phiếu. Đóng cửa, VN -index tăng nhẹ đạt 467.93 điểm, tăng 0.25%. Khối lượng giao dịch ở mức khá, đạt hơn 34 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 1.300 tỷ đồng (chưa kể giao dịch thoả thuận).

Tại sàn Hà Nội, ngay trong 15 phút đầu phiên giao dịch, HNX- index đã có xu hướng giảm điểm. Khi VN-index bật tăng mạnh cũng là lúc đà giảm của HNX- index chậm lại. Tuy nhiên, lực cầu yếu dần khiến kỳ vọng về một phiên tăng điểm với HNX- index đã không đạt được. HNX duy trì xu hướng điều chỉnh giảm trong suốt thời gian giao dịch còn lại và đóng cửa ở mức 150.9 điểm, giảm 3.01 điểm (-1.96), hơn 50% các mã giảm giá. Khối lượng giao dịch giảm, đạt hơn 17 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch là hơn 560 tỷ đồng. 

Mặc dù thị trường có sự giằng co giữa cung và cầu nhưng khối lượng giao dịch hôm nay vẫn khá lớn (trên 50 triệu cổ phiếu) cho thấy dòng tiền vào thị trường vẫn tốt. Dự báo, xu hướng giảm điểm mạnh là khó xảy ra, thị trường trong các phiên tới sẽ không có nhiều biến động lớn. 

*Thị trường vàng ngày 03/8/2009: Giá nhích nhẹ

Sáng 3/8, giá vàng trong nước tiếp tục tăng khoảng 70.000 – 80.000 đồng/lượng so với cuối tuần và giữ mốc 21,15 triệu đồng/lượng bởi sự lên giá đột ngột của giá vàng thế giới. Giao dịch diễn ra thưa thớt.

Giá vàng SIC niêm yết cho thị trường Hà Nội ở mức 21,115 – 21,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này tuy tăng nhẹ so với giá ngày 1/8 phổ biến ở mức 21,13 và 21,19 triệu đồng/lượng.

Một số thương hiệu vàng khác có lượng giao dịch lớn cũng tiếp tục tăng giá. Vàng PNJ – Đông Á Bank lên mức 21,160 – 21,124, tăng so với mức giao dịch của hai ngày cuối tuần là 21,12 triệu đồng/lượng và bán ra 21,19 triệu đồng/lượng.

*Cấm bán lẻ nông sản, thực phẩm

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ra Quyết định số 64 về quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm tại thành phố.

Việc bán buôn nông sản, thực phẩm chỉ tập trung tại ba chợ đầu mối là chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Thủ Đức (quận Thủ Đức), chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) và chợ đầu mối Bình Điền (quận 8). Các tuyến đường bao quanh 3 chợ đầu mối cũng không được kinh doanh nông sản, thực phẩm, dù là bán buôn, bán lẻ hay lập kho chứa hàng nông sản, thực phẩm.

Chỉ có các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng văn minh tiện lợi mới được phép bán lẻ 3 loại mặt hàng: Rau củ quả (tươi hoặc đông lạnh); thịt gia súc, gia cầm, nội tạng dạng thịt (tươi, đông lạnh hoặc có qua sơ chế); các loại khô, mắm, thủy sản (tươi hoặc đông lạnh) như cá, tôm, cua, mực...

Như vậy, các cửa hàng bán lẻ khác tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không được bán 3 loại mặt hàng kể trên. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/8.

*1/8: Áp dụng quy trình mới về kiểm tra xuất xứ hàng nhập khẩu

Tổng cục Hải quan (TCHQ) vừa ban hành quyết định số 1450/QĐ-TCHQ về Quy trình kiểm tra, xác định xuất xứ hàng nhập khẩu. Theo đó, đối với hàng hóa xuất khẩu, người khai hải quan chịu trách nhiệm về xuất xứ của hàng hóa.

Hàng hoá nhập khẩu có thể được cơ quan Hải quan kiểm tra trước xuất xứ. Nếu hàng hoá không thuộc diện phải nộp chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) thì cơ quan Hải quan chỉ kiểm tra việc khai xuất xứ trên tờ khai hải quan. Ngược lại, nếu phải nộp C/O thì cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra sơ bộ các tiêu chí trên C/O. Căn cứ vào mức độ rủi ro thì hồ sơ về hàng hoá sẽ được kiểm tra một cách chi tiết hơn.

Quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2009.

*3 yêu cầu đối với tái cơ cấu ngành điện

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về Đề án tái cơ cấu ngành điện cho phát triển thị trường điện Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, trong đó đặt ra 3 yêu cầu đối với việc tái cơ cấu ngành giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân.

Theo ý kiến của thủ tướng, việc tái cơ cấu ngành điện phải đảm bảo cung cấp đủ điện, an toàn, có chất lượng cao cho nền kinh tế quốc dân phát triển bền vững. Từng bước thực hiện cơ chế thị trường đối với ngành điện, giá bán điện phải tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành điện, trong đó các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo.

 

 

 

Nguồn: Vinanet