*7 ngân hàng tài trợ vốn cho dự án sản xuất xơ sợi Đình Vũ

Ngày 10/8, tại Hà Nội, các ngân hàng ký chung hợp đồng tín dụng trị giá 224,8 triệu USD cho dự án xơ sợi tổng hợp polyester Đình Vũ (Hải Phòng).

Các ngân hàng tài trợ gồm: BIDV, VietinBank, MB, VRB, PVFC, VIB và OceanBank, trong đó, BIDV giữ vai trò đầu mối thu xếp vốn và tài trợ trực tiếp 81,8 triệu USD. Đây là dự án sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, có tổng mức đầu tư 325 triệu USD, công suất 500 tấn xơ sợi/ngày, được khởi công cách đây hơn 2 tháng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2011.

*Sẽ ra mắt Hiệp hội trái phiếu Việt Nam

Ngày 14/8, Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) sẽ chính thức ra mắt tại Hà Nội với hơn 60 thành viên là các công ty chứng khoán, ngân hàng trong và ngoài nước. Đồng hành cùng sự kiện này, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội dự kiến sẽ khai trương thị trường trái phiếu chuyên biệt trong thời gian tới với mục đích nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu và các công cụ nợ khác tại Việt Nam; là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và thúc đẩy sự hợp tác giữa các hội viên vì sự phát triển của thị trường trái phiếu.

*Đài Loan vẫn là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện có khoảng hơn 2.000 DN Đài Loan đang hoạt động tại Việt Nam. Đứng về khía cạnh cộng đồng DN Đài Loan - Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội, cho biết Đài Loan vẫn là 1 trong 6 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Tính đến tháng 7/2009, Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam 2.010 dự án, với tổng vốn đăng ký 21,2 tỷ USD, đứng đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, các dự án chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài (1.705 dự án, tổng vốn đầu tư là 16,6 tỷ USD), hình thức liên doanh là 305 dự án, với tổng vốn đầu tư là 4,6 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2009 đã có 37 dự án FDI của các DN Đài Loan đăng kí đầu tư vào Việt Nam, đạt hơn 1,3 tỷ USD, tập trung nhiều nhất trong ngành công nghiệp và xây dựng, với các dự án phân bố nhiều tại các tỉnh phía Nam như: Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương…

*Phiên giao dịch ngày 11/8: Hai sàn phục hồi nhẹ vào cuối ngày.

Các cổ phiếu chủ chốt tiếp tục có một phiên giao dịch lình xình.  VN-Index mở đầu phiên giảm nhẹ 0,24 điểm sau đó đóng cửa tăng 2,97 điểm, lên 494,17 điểm. Khối lượng giao dịch tiếp tục được duy trì ở mức cao, đạt 50,87 triệu cổ phiếu, tương đương 1.797,29 tỷ đồng.

Đánh giá động thái thị trường, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng tâm lý các nhà đầu tư đã ổn định rất nhiều so với cùng thời điểm năm 2008. Hiện tại thị trường đang trong giai đoạn tích lũy và nhà đầu tư vẫn mua vào các cổ phiếu tốt để chờ bứt phá khi các tín hiệu hồi phục của nền kinh tế rõ nét hơn.

Trong tổng số 166 mã niêm yết trên hai sàn, có 106 mã tăng giá, 37 mã giảm giá và 23 mã đứng giá.

Tại sàn Hà Nội, HNX Index cũng đã có sự hồi phục nhẹ về cuối phiên. Cuối ngày, cổ phiếu này chốt tại 156 điểm, tăng 1,27 điểm (0,82%) so với phiên 10/8.

Lượng giao dịch hôm nay tăng mạnh so với hôm qua với 25,27 triệu đơn vị được chuyển nhượng, trị giá 799 tỷ đồng.

*Thị trường vàng trong nước ngày 11/8: Giá giảm 100.000 đồng/lượng

Giá vàng trong nước sáng 11/8 giảm mạnh trên dưới 100.000 đồng/lượng xuống còn 21,2 triệu đồng/lượng.

Chi nhánh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tại Hà Nội sáng 11/8 niêm yết giá ở mức 21,14 – 21,21 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá bán giảm 90.000 đồng/lượng và giá mua giảm 90.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Trong khi đó, giá vàng miếng rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 21,16 –  21,23 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá mua giảm 80.000 đồng/lượng và giá bán giảm 60.000 đồng/lượng.

Giá vàng SBJ của Công ty vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ được niêm yết ở mức 21,15– 21,19 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giá mua giảm 70.000 đồng/lượng và giá bán giảm 100.000 đồng/lượng.

*Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), VFA  sẽ mua khẩn cấp 400.000 tấn gạo giúp nông dân, nhằm đối phó với nguy cơ giá gạo có chiều hướng xuống thấp, trong khi vụ hè thu đang thu hoạch rộ tại ĐBSCL.

Vụ lúa hè thu tại ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết và giá thu mua có chiều hướng giảm. Do vậy, VFA sẽ phân bổ cho 21 thành viên mua đợt 1 là 400.000 tấn với mức giá tối thiểu là 3.800 đồng/kg. Với mức giá này, lợi nhuận tối thiểu mà nông dân được hưởng sẽ duy trì ở mức 1.000-1.200 đồng/kg.

*Doanh nghiệp sẽ không mua tôm có tạp chất

Ngày 29/7/2009, Hội nghị Doanh nghiệp nói không với tôm bơm chích tạp chất do Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) tổ chức đã có 45 doanh nghiệp xuất khẩu tôm tham gia. Tính đến ngày 5/8/2009, đã có thêm 4 doanh nghiệp đăng ký tham gia vào chương trình này.

Các doanh nghiệp đã thống nhất không thu mua, không chế biến và không xuất khẩu tôm có chứa tạp chất; sẵn sàng tham gia các hoạt động chống tôm bơm chích tạp chất ở địa phương và sẵn sàng thông báo ngay cho cơ quan chức năng liên quan khi phát hiện có lô tôm bơm tạp chất mang vào bán cho doanh nghiệp.

Đây là biện pháp mạnh nhằm duy trì chất lượng tôm xuất khẩu, củng cố uy tín và vị thế của con tôm sú Việt Nam tại thị trường quốc tế để có thể sẵn sàng đối phó với bất cứ trở ngại hay rào cản nào nảy sinh từ các thị trường nhập khẩu.

*Từ 24-27/08/2009: Kỳ họp 3 của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC)

Kỳ họp 3 của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) trong khuôn khổ các hoạt động APEC năm 2009 sẽ diễn ra từ ngày 24-27/08/2009 tại Đà Nẵng.

Để định hướng hoạt động năm 2009, ABAC đã nhất trí về chủ đề của ABAC trong năm 2009 là: “Xây dựng tiến tới mục tiêu Bô-go về một cộng đồng” trong đó có 3 nội dung cụ thể như: Thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực; Xây dựng mô hình phát triển bền vững và Đẩy mạnh xây dựng năng lực và tăng cường kết nối.

Tham dự kỳ họp này sẽ có gần 200 đại biểu là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu trong khu vực, các nhà nghiên cứu và quan chức từ 21 nền kinh tế thành viên APEC. Dự kiến lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam sẽ tới dự và phát biểu tại Kỳ họp.

*3 vấn đề cần được triển khai trong hoạt động xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản

Trong cuộc trao đổi giữa Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Chủ tịch VCCI, có 3 vấn đề được trao đổi. Cụ thể là việc tổ chức một Hội nghị về xúc tiến thương mại; Tổ chức triển lãm Việt – Nhật và việc thành lập một tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, phía Nhật Bản mong muốn sẽ được hợp tác với Việt Nam để thành lập một tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc cử các chuyên gia tình nguyện hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ.

*Không tăng cước vận tải

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô VN cho biết hiện vẫn chưa nhận được phản ánh của các doanh nghiệp trong hiệp hội về việc xin tăng giá cước sau khi giá xăng tăng 500 đ/lít ngày 9/8.  Với mức tăng giá xăng 500 đ ngày 9/8 thì việc tăng giá cước vận tải sẽ khó xảy ra vì xe vận tải khách, hay một số loại xe tải khách, hay một số loại xe khác chủ yếu chạy bằng dầu diezel. Đối với các hãng taxi, việc xăng tăng giá lần này ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Theo tính toán thì chi phí sẽ đội lên thêm khoảng 2%. Nhưng nếu xăng tăng 500 đ thì giá cước nếu có thay đổi cũng chẳng là bao so với chi phí làm thủ tục áp dụng giá cước mới. Vì vậy, khả năng doanh nghiệp taxi tăng giá cước cũng là khó xảy ra.

 

 

Nguồn: Vinanet