*Hàng Việt Nam xếp vị trí thứ 2 tại Campuchia

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, hàng hóa Việt Nam hiện đang xếp vị trí thứ 2 tại thị trường Campuchia sau hàng Thái Lan.

Hiện nay, có hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia, chủ yếu là đầu tư vào chế biến nông sản, hỗ trợ nông dân nuôi cá, trồng lúa, cao su, cà phê. Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp đang được kêu gọi đầu tư sang Campuchia để hưởng ưu đãi thuế quan nhưng chưa nhiều doanh nghiệp thực hiện, chủ yếu chỉ đặt văn phòng đại diện.

*Hiệp hội Cà phê kiến nghị cơ chế cho DN XK

Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam mới kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế cho một số doanh nghiệp được vay với lãi suất bằng 0% để thu mua khoảng 150-200 ngàn tấn và các doanh nghiệp này giữ cà phê hộ nông dân nhưng đồng thời được quyền chọn thời điểm bán ra khi giá lên để khắc phục tình trạng bán ồ ạt vào đầu vụ và cuối vụ gia tăng thì lại bán hết cà phê.

Mục đích cao hơn mà Hiệp hội Cà phê, Ca cao và các DN sản xuất, kinh doanh cà phê hướng tới là có thể tham gia kiểm soát thị trường thế giới về giá cả và số lượng hàng mua bán, để vẫn đẩy mạnh được xuất khẩu nhưng vẫn bảo vệ được quyền lợi.

*Xuất khẩu thức ăn cho bò sữa sang Nhật Bản

Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang (Antesco) cho biết sản phẩm thức ăn cho bò sữa dạng viên chế biến từ phụ phẩm nông nghiệp đang được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Hiện mỗi tháng công ty xuất khẩu sang Nhật Bản 150 tấn sản phẩm thức ăn viên sấy khô thay thế thức ăn tươi cho bò sữa làm từ thân cây bắp non, vỏ khóm… Được biết, thức ăn cho bò sữa dạng viên nén từ phụ phẩm nông nghiệp được Công ty Antesco chế tạo thành công từ tháng 1-2009. Toàn bộ sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.

*Thu ngân sách 8 tháng đạt 66,5% dự toán

Theo tin từ Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 8/2009 ước đạt 30.840 tỷ đồng, luỹ kế thu 8 tháng đạt 259.270 tỷ đồng, bằng 66,5% dự toán, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó thu nội địa ước đạt 68,7% dự toán; thu từ dầu thô ước đạt 56,8% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 67,5% dự toán, bằng 91% so với cùng kỳ.

Trong tháng 8/2009 tổng chi NSNN ước đạt 44.820 tỷ đồng, luỹ kế chi 8 tháng đạt 309.640 tỷ đồng, bằng 63% dự toán.

*Sẽ tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1315/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Theo đó, từ nay đến năm 2010 sẽ tăng thuế và giá của các sản phẩm thuốc lá, áp dụng mức thuế cao đối với các sản phẩm thuốc lá nhập khẩu.

Từ ngày 1/1/2010, sẽ cấm hút thuốc lá ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hoá, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy ổ cao và trên phương tiện giao thông công cộng; tiến tới cấm hút thuốc lá tại tất cả những nơi công cộng, trong nhà vào năm 2010. Các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông thuốc lá từ bán buôn đến bán lẻ.

*Xây dựng Nhà máy luyện phôi thép lớn nhất Việt Nam

Ngày 12/9 NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và nhà cung cấp thiết bị CONCAST chính thức ký kết hợp tác dự án xây dựng nhà máy luyện thép lớn nhất Việt Nam do Thép Pomina làm chủ đầu tư đặt tại Khu công nghiệp Phú Mỹ - huyện Tân Thành - tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD và thời gian thi công dự kiến khoảng 3 năm. Dự án này bao gồm nhiều hạng mục lớn: nhà máy luyện thép công suất 1 triệu tấn/năm, nhà máy cán thép công suất 500 ngàn tấn/năm và một cảng biển có năng lực bốc dỡ đạt 3 triệu tấn/năm phục vụ cho nhà máy.

*DPM hạ giá phân bón

Tcty Phân bón và Hoá chất Dầu khí CTCP (DPM) đã chủ động hạ giá trần bán lẻ Đạm Phú Mỹ trên toàn quốc để góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng kịp thời sản phẩm Đạm Phú Mỹ tới các vùng trên khắp cả nước. Theo dự tính, nhu cầu phân đạm từ nay đến cuối năm khoảng 700.000 tấn, trong đó trong nước và hàng tồn kho nhập khẩu hiện tại là khoảng 600.000 tấn. TCTy và các đơn vị kinh doanh phân bón khác đã có kế hoạch nhập khẩu khoảng 100.000 tấn để đáp ứng đủ nhu cầu phân đạm trong nước từ nay đến cuối năm.

*Hà Nội sẽ xây dựng 8 chợ đầu mối nông sản

Theo Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm nhỏ cùng chợ bán lẻ, cửa hàng đường phố. Theo đó, từ nay đến năm 2015 thành phố cơ bản hoàn thành 8 chợ đầu mối trong đó có 2 chợ đầu mối cấp vùng.

Hai chợ cấp vùng có quy mô 50ha, bán buôn nông sản, thực phẩm tổng hợp trên địa bàn huyện Gia Lâm và Thường Tín. Chợ đầu mối nông sản tổng hợp và chuyên doanh cấp thành phố xây dựng ở các huyện Từ Liêm, Ứng Hòa, Ba Vì, Mê Linh.

Khu vực xa trung tâm, thuộc vành đai 3 sẽ phát triển các đại siêu thị, khu trung tâm thương mại, trung tâm buôn bán, mua sắm lớn. Khu vực này cũng dành cho xây dựng kho bán buôn, trung tâm dịch vụ kho vận (logistics), trung tâm buôn bán nông sản, sàn giao dịch, trung tâm hội chợ triển lãm; đồng thời tính đến các chợ đầu mối bán buôn cấp vùng, đại siêu thị, trung tâm thương mại vùng, mạng lưới khu (logistics). 

*Thêm 30 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU.

Ủy ban châu Âu vừa chính thức chấp thuận và công bố bổ sung 30 doanh nghiệp chế biến thủy sản  của Việt Nam có đủ điều kiện được phép xuất khẩu vào các thị trường Liên minh châu Âu (EU) đưa số doanh nghiệp được phép xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản vào EU là 330 doanh nghiệp; thị trường Trung Quốc có hơn 400 doanh nghiệp; thị trường Liên bang Nga có 30 doanh nghiệp; thị trường Brazil có 60 doanh nghiệp và gần 450 doanh nghiệp sang thị trường Nhật Bản.

 

 

  

 

Nguồn: Vinanet