*Phiên giao dịch ngày 27/8: Thị trường hồi phục trở lại từ cuối đợt 2

Mở đầu phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 1,18 điểm lên 527,13 điểm, khối lượng giao dịch trong đợt 1 đạt 4,93 triệu cổ phiếu, tương đương gần 170 tỷ đồng.

Các cổ phiếu bluechips trên sàn đều giao dịch trên giá tham chiếu hoặc tăng nhẹ.

Sang đợt 2, thị trường bất ngờ giảm điểm, VN-Index giảm 2,31 điểm xuống 523,64 điểm. Thị trường hiện đang có 75 mã giảm giá; 50 mã tăng giá trong đó có 9 mã tăng trần, số còn lại đứng giá hoặc chưa có giao dịch.

Tại sàn Hà Nội, tính đến 10h, HNX Index giảm nhẹ 0,33 điểm xuống 164,06 điểm. Toàn thị trường có 115 mã tăng giá, 46 mã đứng giá và 58 mã giảm giá.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 18,5 triệu đơn vị, tương đương 647 tỷ đồng. ACB dẫn đầu với hơn 2,13 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp đến là VCG (1,81 triệu), KLS (1,63 triệu)…

* Theo Cục Thống kê HN, tháng 8.2009 giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội  tăng 5,3% so với tháng 7 và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế nhà nước tăng 1,5% và tăng 4,9%; kinh tế ngoài nhà nước tăng 3,5% và tăng 13,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9% và tăng 27,3%.

 *Ngày 31/8 hết hạn khai báo mã số thuế qua mạng

Tổng cục Thuế vừa yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh việc cấp mã số thuế qua mạng bởi hết tháng 8 sẽ đóng cửa trang web www.tncnoline.com.vn , nơi các tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đăng ký mã số thuế cá nhân.

Kể từ 1/9, các doanh nghiệp, cá nhân vẫn có thể đăng ký cấp mã số thuế bằng cách gửi hồ sơ về cơ quan thuế bằng đường bưu điện. Nhưng thời gian cấp sẽ lâu hơn nhiều so với việc gửi file dữ liệu trực tiếp qua mạng Internet. Việc cấp mã số thuế cá nhân dự kiến sẽ được hoàn tất trong tháng 10.

*2/9: Bến xe quy mô lớn nhất Hà Nội đi vào hoạt động

Tin từ Sở GTVT Hà Nội cho biết, để kịp đưa Bến xe Trung tâm Hà Đông vào hoạt động đúng dịp Quốc khánh 2-9 , Sở vừa yêu cầu BQLDA Giao thông 1 và các phòng ban có liên quan phối hợp với các đơn vị thi công, hoàn thiện các hạng mục còn lại như: đường nội bộ phục vụ công tác thoát hiểm vòng quanh bến, các công trình phụ trợ như trạm bảo dưỡng sửa chữa, cây xăng…

Dự án xây dựng Bến xe Trung tâm Hà Đông có diện tích 6,9 ha, nằm trên địa bàn xã Yên Nghĩa (quận Hà Đông), với tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng. Đây là bến xe có quy mô lớn nhất Hà Nội. Khi Bến xe Trung tâm Hà Đông hoàn thành, toàn bộ Bến xe Hà Đông cũ sẽ được di chuyển sang.

*TPHCM: Đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong tháng 8

Trong tháng 8, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của TP HCM  ước đạt 22.557 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cùng kỳ.

Tháng 8/2009, tuy có sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu song mức độ ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa không lớn, có nhiều nhóm hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã giảm giá đáng kể, trong đó, nổi bật một số nhóm hàng giảm giá nhiều nhất như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,12%, nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,32%, các nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế...

Cũng trong tháng 8,  một số mặt hàng có mức giảm mạnh như: Gạo giảm giá trung bình 1.000 đồng/kg, mặt hàng gas giá bán cũng khoảng 5.000 – 12.000 đồng/bình 12 kg…

 *Phải đảm bảo 3 điều kiện cần thiết khi thành lập cụm công nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 105/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý Cụm công nghiệp. Theo đó, để một Cụm công nghiệp được thành lập, sẽ phải đảm bảo 3 điều kiện cần thiết.

Đó là, phải nằm  trong Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp đã được phê duyệt, phải có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp và đặc biệt, phải đảm bảo khả năng lấp đầy tối thiểu 30% sau 1 năm được thành lập.

Cụm công nghiệp chỉ được mở rộng khi có các điều kiện như: có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện, có nhu cầu thuê đất công nghiệp trong cụm công nghiệp vượt quá diện tích đất công nghiệp hiện có của cụm. Đồng thời, Cụm công nghiệp đó đã đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 60% và đã có công trình xử lý nước thải tập trung đối với cụm có diện tích từ 15 ha trở lên.

 

 

 

Nguồn: Vinanet