Cuối tuần qua, giá bán yen Nhật của Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN là 185 đồng/yen, trong khi đầu năm 2008 giá bán ra chỉ có 145 đồng/yen. So với đầu năm, yen Nhật đã tăng khoảng 30%. Nếu so với mức thấp nhất chỉ dưới 100 đồng/yen trong các năm trước thì nay giá yen Nhật đã tăng gấp đôi.
Giá yen Nhật tăng mạnh đang ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có khoản vay hoặc thanh toán bằng yen Nhật. Các khoản vay nợ của Chính phủ bằng đồng yen cũng tăng theo tỉ giá nhưng phần lớn nợ vay này chưa đến hạn trả nợ.
Cũng như USD, yen Nhật tăng giá mạnh một phần vì đồng tiền này có lãi suất (LS) thấp. Hiện LS cơ bản của USD là 1%, còn yen Nhật chỉ 0,3%. Trong khi các đồng tiền chủ chốt khác đều có mức LS khá cao.
Vì sao nhà đầu tư lại thích đồng tiền có LS thấp? Đúng ra là họ thích nắm giữ những đồng tiền có LS cao vì có lợi hơn. Tuy nhiên, hiện việc nắm giữ các đồng tiền có LS cao lại dẫn đến rủi ro do ngân hàng trung ương của các quốc gia và khu vực nơi có đồng tiền này đang mạnh tay giảm LS để vực dậy nền kinh tế.
Như đồng EUR, LS cao nhất là 4,25% nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã giảm xuống còn 2,5%. AUD cũng thế, từ mức 7% nay chỉ còn 4,25%. Trong khi đó, hiện một số nước đang nhắm đến mức LS 0% như USD, yen Nhật và franc Thụy Sĩ. Khi trên thị trường có những đồng tiền có mức LS 0% để kích thích kinh tế thì cũng gây sức ép cho các đồng tiền có LS cao. Trong bối cảnh cả thế giới lâm vào suy thoái kinh tế thì LS cao sẽ là rủi ro cho nền kinh tế và đồng tiền của nước đó.
Hiện giới đầu tư cũng đang đổ xô mua USD, dù nền kinh tế Mỹ đã lâm vào suy thoái cũng vì nhờ có LS gần về 0%. USD cũng đang lặp lại thông lệ tăng giá sau mỗi kỳ bầu cử tổng thống. Vì vậy, các chuyên gia ngân hàng cho rằng doanh nghiệp và người dân cần tính toán khi có nhu cầu cất giữ, thanh toán bằng các đồng tiền này. Riêng với USD, giá có tăng thì vẫn nằm trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
( Tuổi trẻ)

Nguồn: Internet