Mối quan hệ tương hỗ giữa GDP và khối lượng thương mại thế giới không rõ ràng. Nhưng, sau khi một số quốc gia bắt đầu áp dụng những biện pháp hạn chế thương mại thì thấy rằng, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trỗi dậy và, như một hệ quả, việc giảm thương mại thế giới đang cản trở sự phục hồi kinh tế thế giới. Một điều khá thú vị là cho đến nay, người ta vẫn không hiểu tại sao cuộc khủng hoảng tài chính này lại làm giảm khối lượng thương mại mạnh đến thế. Theo lời một giáo sư kinh tế của Đại học tổng hợp Stanford, có một số nguyên nhân của tình trạng này: đó là thu nhập của dân chúng thấp, là khối lượng cấp tín dụng giảm, là những biện pháp được áp dụng để hạn chế thương mại.

Tất nhiên, các số liệu thống kê mới này không đến nỗi ảo não như những số liệu cách đây vài tháng. Tính đến tháng 6/2009, hầu như tất cả các nước lớn nhất đã thông báo về sự hồi phục thương mại. “So với tháng 6/2008, khối lượng thương mại trong tháng 6/2009 giảm 25%, nhưng so với tháng 5/2009 thì chỉ số này đã tăng lên”, - một nhà kinh tế của WB đã nhận định như vậy.

Theo đánh giá của nhà kinh tế này, khối lượng thương mại năm 2009 sẽ giảm 12-20%. “Nhưng sự hồi phục sẽ diễn ra nhanh chóng. Khối lượng thương mại thế giới giảm với tốc độ kỷ lục, nhưng cũng sẽ tăng trưởng khá nhanh”. Trong suốt 50 năm qua, thương mại thế giới khi tăng, khi giảm đều nhanh hơn rất nhiều so với GDP của thế giới. “Những năm 1960, khối lượng thương mại tăng nhanh gấp đôi so với GDP, nhưng đầu thế kỷ XXI con số này là 3,5 lần. Đồng thời, trong thời kỳ suy thoái, thương mại thế giới lại giảm nhanh gấp 5 lần so với GDP”.

Về phía mình, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự đoán, khối lượng thương mại thế giới năm nay sẽ giảm 10% so với dự đoán giảm 9% trước đây cũng của WTO. Đồng thời, tổ chức này cũng lưu ý một số dấu hiệu cho thấy tốc độ giảm mậu dịch thế giới đã chậm lại. “Các nước châu Á có thể dẫn đầu trong sự hồi phục mậu dịch thế giới”.

Tất nhiên không phải tất cả các tổ chức quốc tế đều chia sẻ quan điểm lạc quan như vậy. Ngay đầu tháng 7 vừa qua, một quan chức của WTO đã tuyên bố, sẽ có nhiều nước trên thế giới buộc phải hạn chế thương mại trong những tháng tới, nếu như suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn. Theo ý kiến này, các nước chậm phát triển, mà ở đó phụ thuộc nhiều vào một số lượng hàng xuất khẩu hạn chế, sẽ chịu tổn thất nhiều hơn các nước khác do các hàng rào mậu dịch tăng lên. “Khi kinh tế toàn cầu hồi phục, các biện pháp bảo hộ mậu dịch sẽ cản trở các nước đang phát triển trong việc tìm kiếm lối thoát nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng và chỉ có cách kéo dài tổn thất”.

VEN   

 

 

Nguồn: Internet