Người ta khi bị mất ôxy thì trở nên tím tái, quỵ ngã rồi chết. Chuyện tương tự cũng xảy ra với các nền kinh tế khi bị mất đi nguồn tín dụng. Do cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng lan r ộng và trở nên trầm trọng hơn, kinh tế toàn cầu đã bắt đầu ngạt thở, buộc các ngân hàng trung ương trên thế giới phải tiến hành các biện pháp cấp cứu, kể cả việc phối hợp cắt giảm lãi suất. May ra hành động của họ có thể ngăn chặn được thảm hoạ, nhưng không thể tránh được một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thế giới đang "bước vào thời kỳ suy giảm nghiêm trọng" khi phải đối mặt với một "cú sốc nguy hiểm nhất" kể từ những năm 1930 trên thị trường tài chính các nước giàu. IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới tính theo sức mua (PPP) sẽ giảm xuống 3% trong năm 2009 -mức thấp nhất kể từ năm 2002- và đang cận kề cái gọi là một cuộc suy thoái toàn cầu. Nhưng nếu xét về quy mô của tình trạng ngưng trệ tài chính, thì dự đoán trên xem ra vẫn còn lạc quan. Các nhà dự đoán khác đều tin rằng một cuộc suy thoái toàn cầu là tất yếu.
Các nền kinh tế giàu có đã suy giảm hoặc gần như suy giảm kể từ trước tháng 9 vừa qua. Những tuần gần đây, khả năng suy thoái của thế giới giàu có hầu như đã trở nên chắc chắn. Kinh tế Mỹ đã mất động lực trong suốt mùa hè, mặc dù mức tăng trưởng hàng năm vẫn đạt 2,8%, nhưng đó chỉ là tạm thời nhờ tăng xuất khẩu và chi tiêu ngân sách. Trong khi đó, sức chi ngân sách đang giảm dần, khiến thị trường việc làm trở nên xấu đi, các nguồn tín dụng bị thắt chặt và chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh. Trong tháng 9/08, số việc làm ở Mỹ giảm 159.000 việc làm, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2003. Lượng ôtô bán ra cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm qua, trong khi các khách hàng tiềm năng không thể vay được tiền. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã suy giảm trong quý III/08 và có thể sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn trong quý IV. Chi tiêu của người tiêu dùng dự đoán sẽ giảm với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ cuộc suy thoái năm 1980. Các nhà quản lý cho biết hoạt động sản xuất hiện nay cực kỳ yếu và đang sa sút. Kinh tế Mỹ có thể chưa chính thức suy thoái, nhưng thực tế đã bước vào suy thoái.
Tình hình ở châu Âu cũng tương tự. Kinh tế Anh, vốn đã đình đốn từ quý II/08, nay rõ ràng đã rơi vào suy thoái. IMF nhận xét kinh tế Anh hoạt động yếu kém nhất trong số các nền kinh tế lớn trong năm tính đến quý IV/08. Các nền kinh tế khu vực đồng euro cũng rất khó khăn. Các số liệu công bố ngày 8/10 cho thấy GDP của khu vực này trong quý II/08 chỉ đạt tốc độ tăng hàng năm 0,8%. Kinh tế Nhật Bản cũng đang yếu đi, với tốc độ tăng trưởng trong quý II/08 đạt 3%, trong đó xuất khẩu bị sụt giảm, đầu tư tăng chậm, giá cả lương thực và năng lượng cao đang làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Mặc dù các ngân hàng Nhật Bản ít bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính hơn các đồng nghiệp Mỹ và châu Âu, nhưng với việc các nền kinh tế khác đang rơi vào suy thoái và đồng yên lên giá mạnh, triển vọng xuất khẩu và kinh tế nói chung của Nhật là rất đen tối.
Tính chung lại, IMF dự đoán các nền kinh tế của thế giới giàu có sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2009, và mức tăng trưởng toàn cầu 3% sẽ phụ thuộc vào động lực tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Nhóm các nước đang phát triển nói chung sẽ đạt mức tăng trưởng 6,1% trong năm 2009, tuy chậm hơn so với mức 8% trong những năm gần đây, nhưng còn cách xa bờ vực suy thoái. Điều này cho thấy sự chênh lệch rất lớn về tốc độ tăng trưởng giữa thế giới giàu có và thế giới đang phát triển.
Một số nền kinh tế mới nổi, đáng chú ý là Trung Quốc, đã tỏ ra rất năng động trước cơn bão tài chính. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế đang phát triển khác đang bị tác động mạnh do các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn để tránh rủi ro. Các nhà phân tích của công ty Morgan Stanley dự đoán luồng vốn đổ vào các nền kinh tế đang phát triển có thể giảm mạnh từ khoảng 750 tỷ USD năm 2007 và năm 2008 xuống còn 550 tỷ USD năm 2009. Điều này sẽ tác động mạnh tới những nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào vốn đầu tư nước ngoài. Khoảng hơn 80 nước đang phát triển có thể gặp khó khăn với mức bội chi trong cán cân thanh toán vãng lai tăng mạnh lên tới hơn 5% GDP trong năm nay.
Mối liên quan giữa các nền kinh tế có thể lớn hơn người vẫn tưởng. Xuất khẩu sẽ giảm mạnh khi thế giới giàu có rơi vào suy thoái. Giá nguyên liệu giảm sẽ gây khó khăn cho các nước sản xuất, nhất là các nước Mỹ Latinh. Nhờ vào các chính sách kinh tế vĩ mô có kỷ cương hơn và những nguồn vốn dự trữ lớn, nhiều nền kinh tế mới nổi đã được bảo vệ trước cuộc suy thoái của thế giới giàu có, nhưng họ không thể tránh được nó một cách hoàn toàn vô sự.
Mặc dù tình hình trên đây cho thấy việc các nước phối hợp giảm lãi suất là giải pháp cơ bản và cần thiết, nhưng điều tốt nhất mà người ta có thể hy vọng hiện nay là kinh tế toàn cầu may mắn chỉ rơi vào suy thoái nhẹ.

Nguồn: Vinanet