Mục tiêu phát triển của ngành đến năm 2010 là đạt giá trị sản xuất 1990 tỷ đồng, năm 2015 đạt 3280 tỷ đồng và năm 2020 là 5.400 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đến năm 2010 đạt 12% và giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020 là 10,5%/năm. Trong đó, ngành máy động lực sẽ tập trung sản xuất các chi tiết của động cơ là thân máy, quy lát, trục khuỷu, trục cam, thanh truyền. Sau năm 2015, ngành sẽ sản xuất được các sản phẩm có trình độ tiên tiến như bơm dầu, vòi phun cao áp và cả động cơ đa hệ nhiên liệu.

Đối với máy nông nghiệp, đến năm 2010 ngành sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước về trang bị máy kéo hai bánh đến 12 mã lực, bước đầu sản xuất máy kéo bốn bánh 18-25, 35-40 mã lực thay thế nhập khẩu. Sau năm 2015, nâng cao mức độ hiện đại cho sản phẩm máy nông nghiệp với mẫu mã đa dạng và gái cả phù hợp, đủ sức cạnh tranh trong xuất khẩu; từng bước chuẩn bị điều kiện để sản xuất máy có ứng dụng cơ điện tử.

Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp thực hiện quy hoạch như đẩy nhanh thực hiện các dự án thuộc Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn cũng như các dự án sản xuất máy nông nghiệp thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn. Cơ bản hình thành mạng lưới sản xuất lắp ráp và công nghiệp hỗ trợ cho ngành trên cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường dự báo nhu cầu thị trường, mở rộng hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt ngành sẽ hỗ trợ 50% chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, thuê chuyên gia nước ngoài và 50% kinh phí đào tạo nguồn nhân lực…

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam