Tuy nhiên miền Trung là vùng còn nhiều khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt, thiên tai, kinh tế phát triển chậm so với một số vùng khác trong nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy hết lợi thế của vùng. Nhiều mặt xã hội phát triển chậm, chưa theo kịp mức bình quân chung cả nước, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ đói nghèo, trẻ em suy dinh dưỡng còn cao... Phát huy lợi thế của một khu vực có nhiều tiềm năng, miền Trung đang đẩy mạnh phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Khu vực miền Trung, với Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ gồm 13 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, diện tích chiếm 29,1% (95,76 ngàn km2, dân số chiếm 23,5% (20 triệu người) so với cả nước. Trong những năm qua, khu vực miền Trung đã có những bước khởi sắc với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khá cao, riêng năm 2007 đạt 13% cao hơn so với cả nước, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Gần đây, đầu tư nước ngoài vào khu vực này khá lớn. Riêng năm 2007 và từ đầu năm 2008 đến nay, toàn vùng đã thu hút được 154 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 5,3 tỷ USD (kể cả cấp mới và tăng vốn) lớn hơn cả tổng vốn đầu tư của cả thời kỳ 1988-2006 cộng lại, toàn vùng có 632 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký lên 10 tỷ USD. Vai trò của khu vực kinh tế này ngày càng tăng, hiện đã đóng góp 5,2% vào GDP, xuất khẩu đạt hơn 25% toàn vùng và thu hút gần 100.000 lao động trực tiếp.

Mục tiêu cơ bản giai đoạn từ nay đến 2010 của khu vực miền Trung là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%/năm. Đến năm 2010, GDP bình quân đầu tư đạt 750 USD; cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dần sang lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, theo đó công nghiệp- xây dựng chiếm 36-37% (hiện nay 30,6%), dịch vụ 41-42% (hiện nay 35,9%) và nông lâm ngư giảm xuống còn 22- 23% (hiện nay 33,4%). Hằng năm giải quyết việc làm cho khoảng 240- 250 ngàn người (chỉ riêng Khu kinh tế Dung Quất từ nay đến 2013 cần khoảng 40 ngàn lao động trong các lĩnh vực hoá dầu luyện gang thép, điều khiển tự động, cơ khí chế tạo, thợ hàn, thợ điện...).

Để đạt được mục tiêu này, khu vực miền Trung cần phải đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tập trung tăng nhanh qui mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yếu cầu phát triển kinh tế- xã hội, trước hết phục vụ cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, các ngành kinh tế lớn của khu vực. Ưu tiên phát triển du lịch, hình thành một số trung tâm du lịch chất lượng cao tầm cỡ quốc tế trên cơ sở làm tốt công tác quy hoạch và phối hợp giữa các tỉnh trong vùng nhằm hình thành một mạng lưới không gian du lịch trong vùng du lịch miền Trung với cả nước và các nước lân cận. Đẩy mạnh đầu tư phát triển nhanh các khu kinh tế, khu công nghiệp đã được thành lập tại khu vực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào khu vực này. Theo Bộ Kế haọch và Đầu tư, trong danh mục thu hút đầu tư nước ngoài cũng có trên 30 dự án cấp quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp với tổng mức thu hút đầu tư khoảng trên 10 tỷ USD kêu gọi vào miền Trung. Dự kiến từ đây đến cuối năm 2010, sẽ xem xét mở rộng và thành lập mới khoảng 9 khu công nghiệp với diện tích khoảng 1.660ha. Riêng trong lĩnh vực thu hút vốn FDI cần phải đồng bộ với quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt lưu ý phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường. Trong đó, phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật bền vững, lâu dài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư. Bên cạnh các dự án có quy mô vừa và nhỏ, cần tập trung thu hút các dự án lớn tạo hiệu ứng đừu tàu và "lan toả", có tác động ảnh hưởng tới phát triển kinh tế- xã hội cả vùng. Cần đa dạng hoá các hình thức đầu tư nhằm khuyến khích các nguồn vốn trong và ngoài nước tham gia vào phát triển kinh tế- xã hội của vùng. Sử dụng các hình thức BT, BOT (như dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi)...nhằm khuyến khích đàu tư tư nhân vào các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, như giao thông vận tải, thuỷ lợi, nước sạch, xử lý rác thải đô thị và các khu kinh tế và khu công nghiệp tập trung...Có như thế khu vực miền Trung sẽ sớm phát triển theo hướng công nghiệp hoá- hiện đại hoá và hy vọng một ngày không xa sớm tiến kịp các vùng khác trong nước và trở thành một đầu cầu lớn của cả nước trong giao lưu, hợp tác kinh tế quốc tế.

 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam