Động thái này đồng nghĩa với việc các ngân hàng Anh có thể chuyển đổi các tài sản thế chấp có rủi ro cao khi cho vay kinh doanh bất động sản sang hình thức trái phiếu chính phủ vì mục tiêu củng cố khả năng tài chính của các ngân hàng này.
BoE cho rằng kế hoạch trên nhằm mục đích cải thiện khả năng thanh khoản của toàn bộ hệ thống ngân hàng và nâng cao niềm tin trong các thị trường tài chính.
Thực tế, BoE đã buộc phải hành động tương tự như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã làm để hỗ trợ các ngân hàng Đức và Tây Ban Nha hồi tháng 8/07. Điều này cho thấy chính phủ các nước trên thế giới đang thực hiện những cam kết cuối cùng đối với các thể chế tài chính công cộng. Đây sẽ là giai đoạn bắt buộc tiếp theo của cuộc khủng hoảng tín dụng và chỉ xuất hiện khi mà các giải pháp "thị trường tự điều chỉnh" thất bại. Ở thời điểm này, giải pháp can thiệp của các chính phủ đã được khởi động, các điều kiện tín dụng toàn cầu có thể sẽ dần trở lại trạng thái bình thường trong một vài tháng trước mắt. Tuy nhiên, khái niệm "bình thường" ở đây không có nghĩa là mọi thứ đều trở về tình trạng ban đầu vốn chiếm ưu thế trong hệ thống tài chính thế giới và nền kinh tế toàn cầu nhiều năm qua.
Ba thay đổi gần đây nhất của nền kinh tế thế giới là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tín dụng. Thứ nhất, nền kinh tế Mỹ, đáng lẽ phải bắt đầu hồi phục trong Hè này trước những tác nhân kích thích tiền tệ và tài chính, sẽ không còn sức mạnh bởi tình trạng thoái trào sức mua tiêu dùng và nhà cửa, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do xuất khẩu và sản xuất. Thứ hai, các nền kinh tế châu Âu và Anh (thường đi sau kinh tế Mỹ từ 12-18 tháng với một chu kỳ tiền tệ tương tự) sẽ không chỉ bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu suy giảm và đình trệ trên thị trường nhà đất mà còn phải chịu những tác động kinh tế nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng tín dụng. Thứ ba, các nền kinh tế mới nổi của châu Á và các khu vực đang phát triển khác sẽ không còn được hưởng lợi từ tăng trưởng xuất khẩu khi mà nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu đang trở nên suy yếu. Nếu các nước đang phát triển muốn tiếp tục tăng trưởng nhanh, họ buộc phải dựa vào nhu cầu tiêu dùng trong nước, các dự án đầu tư hạ tầng và khả năng bùng phát của thị trường bất động sản trong nước.
Tuy nhiên, một hậu quả khác của khủng hoảng tín dụng đang tồn tại nhưng lại không được nhận thức đầy đủ và tạo nên tâm lý hoảng loạn, đặc biệt ở Trung Quốc và các nước đang phát triển, đó là việc giá dầu, lương thực và hàng hóa tiêu dùng tăng cao ở mức kỷ lục. Nhiều mặt hàng đã tăng giá gấp đôi kể từ khi khủng hoảng tín dụng xuất hiện hồi tháng 8/07, ngay cả khi mối liên hệ tương quan giữa việc giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao với sự sụp đổ nguồn cung tín dụng vẫn đang tồn tại như một rào cản. Đáng lẽ sự sụt giảm tín dụng trong tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ tháng 8/2007 phải làm suy yếu nhu cầu hàng hóa tiêu dùng dẫn đến việc giá giảm.
Cho đến nay, thực tế lại cho thấy giá tiêu dùng trong thời gian gần đây đã tăng mạnh mỗi khi hệ thống tài chính toàn cầu bị tác động bởi những cơn sốc mới. Kết quả là Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi (những nước năm ngoái đã chuẩn bị cho một sự bùng phát tăng trưởng tiêu dùng nội địa thì nay đang phải chịu ảnh hưởng vì khả năng xuất khẩu sang Mỹ bị suy yếu) lại càng lo lắng hơn về tình trạng lạm phát ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây có thể là diễn biến nguy hiểm đối với kinh tế thế giới, vốn ngày càng phụ thuộc và nhu cầu trong nước của các nước châu Á, Trung Đông và Nga. Sự thắt chặt chính sách bắt buộc của các nước mới nổi cũng lý giải vì sao các thị trường chứng khoán suy giảm mạnh ở châu Á hơn là ở Mỹ và châu Âu trong quí đầu của năm nay.
Nguyên nhân nào khiến sự sụp đổ tín dụng toàn cầu lại tạo ra sự bùng phát về nhu cầu hàng hóa tiêu dùng? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Sự lý giải chung chung nhất thường được các phương tiện thông tin đại chúng sử dụng là giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao do ảnh hưởng của tâm lý lo lắng toàn cầu về lạm phát khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hỗ trợ hệ thống ngân hàng của nước này bằng việc in thêm tiền và hạ các mức lãi suất. Giải thích này không được cho là thỏa đáng ít nhất bởi ba lý do. Thứ nhất, bởi những áp lực lạm phát của Mỹ đã giảm bớt do hậu quả của biến động tài chính và sự sụt giảm liên đới trên thị trường nhà cửa và việc làm. Thứ hai, bởi ECB và BoE đã thể hiện quan điểm rõ ràng rằng họ sẽ không đi theo các chính sách tiền tệ của FED. Đến nay giá hàng hóa tiêu dùng tính bằng đồng bảng và đồng euro vẫn tăng. Thứ ba, bởi giá hàng hóa tiêu dùng tăng quá nhanh, điển hình là gạo, lúa mì và thịt lợn, không thể được sử dụng như những dự trữ có giá trị dài hạn và bị ảnh hưởng mạnh bởi quan hệ cung cầu, hơn là những lo ngại về chính sách tiền tệ nới lỏng.
Vậy điều gì đã khiến nhu cầu hàng hóa nông nghiệp tăng vọt và việc này có liên hệ thế nào đối với cuộc khủng hoảng tín dụng? Câu trả lời có thể chấp nhận được đó là do sự tăng giá hàng hóa tiêu dùng bản thân nó đã làm bùng phát nhu cầu tự bảo đảm ngày càng tăng, ở đó các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bán buôn và những người tiêu dùng muốn mua nhiều hơn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong bối cảnh giá cả gia tăng từng ngày và điều này đã dẫn đến những biểu hiện tăng giá đột biến. Xu hướng tăng giá do tâm lý muốn tự đảm bảo này đang có chiều hưởng đảo ngược nhanh chóng nếu các nhà đầu tư và các nhà sản xuất hàng tiêu dùng tham gia các hoạt động kinh doanh chống lại xu hướng này khi mà họ có được động lực từ các khoản cho vay gia tăng của ngân hàng.
Khủng hoảng tín dụng đã làm cạn khả năng thanh khoản trên tất cả các thị trường tài chính, vì thế đã làm trầm trọng thêm xu hướng này trong tâm lý của các nhà đầu tư và hình thành nên tâm lý dự trữ hàng hóa trong chuỗi các nhà cung cấp toàn cầu. Xu hướng do tác động của khủng hoảng tài chính, thay vì nhu cầu gia tăng đột ngột của Trung Quốc và Ấn Độ như từng nhận định trước đây, có thể sẽ tiếp tục là nguyên nhân chính của sự thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu trong năm nay.
Những ảnh hưởng tương tự có thể được lý giải là do có sự liên hệ bất ngờ nổi lên giữa các thị trường tài chính toàn cầu. Kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu, giá của hàng hóa tiêu dùng đã tăng vượt quá tương quan tỷ giá giữa đồng USD và euro và xu hướng tỷ giá tiền tệ này cũng đã làm trầm trọng thêm hai xu hướng động lực quan trọng khác, đó là sự sụp đổ về khả năng sinh lợi của trái phiếu ngân khố Mỹ và sự lan rộng của khủng hoảng tài chính. Nếu nguyên nhân cơ bản của tất cả những xu hướng này là do thiếu khả năng thanh khoản trên các thị trường tài chính toàn cầu thì dường như các xu hướng này bắt đầu đảo chiều từ giữa tháng 3/08 sau khi các động thái nhằm cứu ngân hàng Bear Stearns hồi tuần trước cho thấy khả năng vượt trội vốn có của thị trường trái phiếu Mỹ đã có sự thay đổi từ trái phiếu sinh lời thấp chuyển thành các trái phiếu sinh lời cao. Nếu những tăng trưởng trên thị trường trái phiếu Mỹ thời gian gần đây có thể chứng minh được, động lực tỷ giá lấn át giữa đồng USD và euro có thể sẽ bắt đầu đảo chiều. Nếu điều này xảy ra, xu hướng tăng giá của hàng hóa tiêu dùng sẽ sớm đảo ngược và tâm lý lo lắng về lạm phát ở Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi sẽ dịu xuống. Các nhà phân tích cho rằng với những diễn biến này, có nhiều khả năng khủng hoảng tín dụng toàn cầu sẽ sớm chấm dứt.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam