Ngành công nghiệp chip sẽ tăng trưởng đáng kể năm nay

Theo công ty nghiên cứu iSuppli, ngành công nghiệp chip toàn cầu từ đầu năm đã có chuyển biến đi lên, đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong thập niên vừa qua. Doanh thu từ thị trường bán dẫn khắp thế giới dự kiến sẽ tăng lên 300,3 tỷ đô la Mỹ (300,3 tỷ USD, ~5.705,7 nghìn tỷ đồng), tăng 30,6% so với 229,9 tỷ USD (~4.368,1 nghìn tỷ đồng) của năm 2009.

iSuppli cho biết, đây là tỷ lệ tăng trưởng cao đầu tiên kể từ khi ngành này đạt mức 36,7% trong năm 2000.

Theo ông Dale Ford, Phó chủ tịch của iSuppli, tính theo doanh số liên tục phát triển sau thời kỳ suy thoái kinh tế vào cuối năm 2008 đầu năm 2009, ngành công nghiệp bán dẫn đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu đáng kể trong năm 2010. Mức tăng trưởng doanh số chip năm nay sẽ tăng nhờ mức cầu tiêu dùng sản phẩm điện tử mới sản xuất tăng mạnh, các nhà sản xuất chip đã nỗ lực gia tăng quản lý năng suất và danh mục mặt hàng, và sự xuất hiện nhiều công nghệ đổi mới về cả linh kiện lẫn thiết bị cuối.

Trong 6 tháng qua, có nhiều báo cáo cho thấy thị trường chip đang sôi động trở lại sau thời gian im lặng trong giai đoạn 2008-2009. Hồi tháng 1/2010, hãng phân tích IDC báo cáo số lượng chip PC xuất xưởng của quý 4/2009 gia tăng, báo hiệu ngành chip đang hồi phục.

Mùa thu năm 2009, hãng nghiên cứu Gartner đã tiên đoán doanh thu bán dẫn toàn cầu sẽ hồi phục vào năm 2010, sau khi doanh số giảm hơn 10% vào năm 2009. Lúc đó, Gartner cũng đã tiên đoán doanh thu bán dẫn toàn cầu sẽ đạt 255 tỷ USD (~4.845 nghìn tỷ đồng), tăng 13% so với năm 2009 và cùng tỷ lệ so với 2008.

iSuppli cũng dự báo nhu cầu tiêu dùng máy tính cá nhân, thiết bị cầm tay và TV màn hình LCD năm nay sẽ làm tăng doanh số chip. Các nhà phân tích của iSuppli cũng dự đoán doanh thu DRAMnăm 2010 cũng sẽ tăng rất mạnh: khoảng 77% so với năm 2009.

Hãng nghiên cứu Gartner dự báo chi phí IT toàn cầu sẽ tăng 5,3% trong năm 2010, đạt 3,4 nghìn tỷ USD. Xu hướng tăng sẽ tiếp diễn sang năm 2011, khi chi phí IT tăng thêm 4,2% vượt 3,6 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, tăng trưởng trong năm nay chủ yếu bởi đồng Đôla Mỹ giảm giá trị so với năm ngoái. Sau khi điều chỉnh theo tỷ giá đồng USD, chi phí IT sẽ tăng 1,6% trong năm nay, sau khi giảm 1,4% trong năm 2009.

Chi phí cho phần cứng máy tính dự kiến sẽ đạt 353 tỷ USD trong năm 2010, tăng 5,7% so với năm 2009. Chi phí của các doanh nghiệp cho phần cứng sẽ tăng trong năm 2010, song vẫn thấp hơn mức của năm 2008 cho tới năm 2014.

Thị trường LCD sẽ khởi sắc từ giữa năm nay

Thị trường LCD toàn cầu chắc chắn sẽ thiếu cung bắt đầu từ giữa năm nay, bởi nhu cầu bắt đầu tăng vượt cung từ quý I năm tới.

Theo công ty nghiên cứu DisplaySearch, các nhà sản xuất LCD sẽ không còn phải lo lắng về tình trạng dư cung kéo dài suốt nhiều tháng qua. Đây là một tin tốt lành với các hãng sản xuất màn hình lớn, như LG Display của Hàn Quốc, AU Optronics và Chi Mei Optoelectronics của Đài Loan.

Thị trường LCD đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2008, nhưng sa sút rất nhiều kể từ đó, do khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài suốt năm 2009, với thu nhập của ngành giảm tới 50% trong vòng một năm.

Tuy nhiên, năm 2010 thị trường này sẽ lấy lại được phong độ của năm 2008, sau khi tăng trưởng 51%.

Việc giá LCD giảm mạnh từ cuối năm 2008 tới mùa xuân năm 2009 đã góp phần đẩy nhu cầu hồi phục nhanh hơn dự kiến, nhất là ở Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang khuyến khích các hãng sản xuất màn hình mở rộng công suất sản xuất vào năm 2010, sau khi nghiên cứu sức mua của người tiêu dùng.

Các hãng sản xuất LCD bắt đầu có lãi trở lại từ quý III/2009, trong đó một số hãng công bố lợi nhuận lên tới 15%. Tuy nhiên, ngành này vẫn còn đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ suy thoái, với thực trạng dư cung và giá giảm kéo dài tới tận quý IV/2009, thậm chí sang quý I/2010 trước khi hồi phục trở lại vào mùa xuân năm 2010.

Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành nước tiêu thụ LCD lớn nhất thế giới, và có tiềm năng trở thành quốc gia có ngành LCD phát triển nhất hành tinh. Mặc dù hiện mới chỉ chiếm 3,7% tổng công suất của ngành LCD toàn cầu, nhưng tỷ lệ này dự kiến sẽ nhanh chóng tăng lên 7,4% vào năm 2012, thậm chí còn cao hơn thế ở thời điểm đó. Trung Quốc cũng sẽ vươn lên thay thế Bắc Mỹ trở thành thị trường TV LCD lớn nhất hành tinh vào năm 2011, chiếm 21,3% thị trường toàn cầu.

Theo công ty nghiên cứu thị trường iSuppli, nhờ giá giảm, doanh số tiêu thụ của loại hình TV LCD cỡ lớn trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 90% so với năm ngoái với gần 58 triệu chiếc trên phạm vi toàn cầu.  Với triển vọng giá sẽ còn giảm hơn nữa, nhu cầu TV LCD trên thị trường trong nước và thế giới dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng.

Thế giới sẽ có 50 tỉ thiết bị kết nối vào năm 2020 

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu là Trung Quốc, và công nghệ băng rộng, đặc biệt là băng rộng di động, sẽ là những nhân tố chính trong tiến trình phát triển này.

Đó là nhận định của tập đoàn Ericsson tại Diễn đàn Ericsson Business Innovation Forum diễn ra từ 17/5 đến 18/5/2010 trong khuôn khổ triển lãm Expo 2010 Thượng Hải (Trung Quốc), quy tụ chuyên gia từ nhiều lĩnh vực để cung cấp những cái nhìn và phân tích chuyên môn về xu thế tiêu dùng và cách chinh phục thị trường lớn nhất thế giới, Trung Quốc.

Hiện tại, thế giới có 4,8 tỉ thuê bao di động và mật độ di động toàn cầu là 70%. Tốc độ tăng trưởng thuê bao trung bình hàng năm là 16%. Trên thế giới có 400 triệu người sử dụng băng rộng di động và sẽ tăng lên mức 3,5 tỉ vào năm 2014. Châu Á tập trung 60% dân số toàn cầu và tính tới quý I/2010, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 44% tăng trưởng số lượng thuê bao di động mới.

Là một bộ phận quan trọng trong thị trường châu Á và toàn cầu, những diễn biến tại Trung Quốc là một sự tham khảo tốt cho các quốc gia khác bởi thị trường này có quy mô rộng lớn và đa dạng, phản ánh một bức tranh toàn cảnh trên các góc độ kinh tế, xã hội và tiêu dùng và phát triển công nghệ.

Trung Quốc có mật độ sử dụng di động là 56% dân số và mỗi tháng có gần 9 triệu thuê bao mới. Năm 2009, với tốc độ tăng trưởng GDP là 8%, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới về mức độ tiêu dùng. Trung Quốc cũng là thị trường viễn thông lớn nhất thế giới với số lượng 800 triệu thuê bao di động và 380 triệu người dùng Internet. Thị trường viễn thông Trung Quốc rất đa dạng: Thoại là hình thức chủ yếu đối với di động ở vùng nông thôn, và khoảng 30% dân số khu vực này đã được truy cập tới các dịch vụ di động; Nông thôn Trung Quốc cũng đã tiếp cận web với gần 107 triệu kết nối Internet tính tới đầu năm 2009, tăng 26% so với 2008. Khoảng 30% thu nhập của các nhà mạng là từ dịch vụ dữ liệu, chủ yếu từ nhóm tiêu dùng thành thị. 87% giới trẻ thành thị Trung Quốc sử dụng Internet hàng ngày. Sự đa dạng trong nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng Trung Quốc tạo ra những cơ hội rất lớn về băng rộng di động ở cả lĩnh vực GSM và TD-LTE. Xu hướng tiêu dùng ở thành thị Trung Quốc được đánh giá ngang với đối tượng đô thị ở các nước phát triển.

(Vinanet)