Trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hành động chung nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng trên, Tổng thống Bôlivia Evo Morales và Tổng thống Nicaragoa Daniel Ortega, cùng Phó chủ tịch Cuba Carlos Lage cuối tuần qua đã ký hiệp định hợp tác về chủ quyền và an ninh lương thực tại thủ đô Caracát (Vênêxuêla). Cùng thời điểm này, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Trung Mỹ và Caribê cũng đã họp tại thủ đô Managoa (Nicaragoa) để phân tích và bàn bạc các biện pháp khẩn cấp đối phó với vấn đề lương thực trong khu vực, cụ thể hóa các biện pháp đảm bảo ổn định giá cả cũng như nguồn cung lương thực trong khu vực
Các phương tiện truyền thông trong khu vực đều cho rằng, sự khan hiếm lúa mì, ngô, gạo, đậu, rau quả và thịt mới chỉ là một phần của thực trạng lương thực hiện tại ở Mỹ La-tinh do giá lương thực và dầu mỏ tăng cao. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, với mức lạm phát 6% trong năm 2007, các nước Trung Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đẩy mạnh sản xuất lương thực, dù các quốc gia này đang rất khó khăn vì tài chính hạn hẹp. Mặc dù doanh thu từ dầu mỏ của khu vực tăng gần 6 tỷ USD mỗi năm, nhưng thâm hụt cán cân thương mại đã vượt mức 24 tỷ USD tính đến tháng 12/2007.
Mức nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lương thực ở Mỹ La-tinh và Caribê, ngoài tác nhân toàn cầu, còn do những vấn đề của từng nước. En Xanvađo ít đất, thiếu nước. Ônđurát hạn hán kéo dài. Goatêmala đất đai cằn cổi, chủ yếu phát triển trồng rừng. Côxta Rica chọn phát triển du lịch để bảo vệ sinh thái. Panama dựa chủ yếu vào kênh đào, thương mại và tài chính còn Nicaragoa đang phải đương đầu với giá cả lương thực tăng 50% và lạm phát 17%. Trước tình hình này, một nửa trong số 38 triệu dân của khu vực đang đứng trước nguy cơ sẽ là những nạn nhân chắc chắn của đói nghèo.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam