Nhóm quan chức Mỹ sẽ thảo luận với chính phủ Triều Tiên về cơ chế giám sát việc phân phối lương thực viện trợ để bảo đảm lương thực viện trợ đến tay những người thiếu thốn nhất thay vì được chuyển đến các đơn vị quân sự. Nếu các cuộc thảo luận tiến triển tốt đẹp thì có khả năng Mỹ sẽ công bố một chương trình viện trợ lớn, mà theo các chuyên gia là khoảng 500 nghìn tấn gạo, trong cuộc thảo luận sáu bên về vấn đề hạt nhân dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP) cho rằng, Triều Tiên đang phải vượt qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ năm 2001 khi tháng trước, giá lương thực, thực phẩm ngoài chợ đã tăng gấp đôi (một cân gạo ở Bình Nhưỡng có giá tương đương 1/3 thu nhập hằng tháng - khoảng 2 USD - của một công nhân), trong khi trợ cấp lương thực của nhà nước lại giảm.

Trung bình mỗi năm Triều Tiên được viện trợ khoảng 500 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có gạo. Theo các quan chức Seoul, giá nhiên liệu tăng đã đẩy phí vận chuyển hàng viện trợ cho Triều Tiên tăng 30%. Toàn bộ lương thực viện trợ đều đến Triều Tiên bằng đường biển vì nước này cấm vận chuyển bằng đường bộ bên ngoài khu phi quân sự.

Trung bình mỗi năm, Triều Tiên cần khoảng 5,2 triệu tấn ngũ cốc để bảo đảm mức tiêu thụ tối thiểu của người dân nhưng chưa bao giờ sản lượng của nước này đạt mức đó. Năm ngoái, sản lượng ngũ cốc của Triều Tiên chỉ đạt 4,01 tấn do lũ lụt, giảm 11% so với năm trước đó.

Một yếu tố khác tác động đến khủng hoảng lương thực ở Triều Tiên, đó là hai nguồn viện trợ trực tiếp lớn nhất - từ Trung Quốc và Hàn Quốc – có khả năng giảm trong năm nay.

Trong khi đó, chính sách mới của Tổng thống Lee Myung-bak lại đòi hỏi Bình Nhưỡng phải có những đáp ứng nhất định đối với viện trợ của Seoul, khiến Bình Nhưỡng tức giận và tuyên bố không cần viện trợ của Seoul.

Nguồn: Nhân Dân