Hội đồng Xuất khẩu Da Ấn Độ cho biết ngành da nước này tỏ ra thất vọng vì gói kích thích hồi phục kinh tế và kinh doanh lần thứ hai của Chính phủ Ấn Độ. Khuyến khích duy nhất các nhà xuất khẩu da Ấn Độ nhận được thêm đó là Hệ thống DEPB (Duty Entitlement Passbook) được kéo dài đến ngày 31/12/2009. Tuy nhiên, do các nhà xuất khẩu da Ấn Độ hầu hết sử dụng Hệ thống Hoàn thuế chứ không phải là Chương trình DEPB để được miễn giảm thuế, nên gói kích thích kinh tế mới được công bố này không tác động nhiều đến ngành da.
 
 Theo phản ánh của các nhà xuất khẩu da Ấn Độ, người mua trên khắp các thị trường đang trì hoãn các đơn đặt hàng mới, tìm cách đòi giảm giá đối những đợt đặt hàng hiện thời, nợ tiền thanh toán lâu, và nhiều nhà xuất khẩu sau khi đã hoàn thành các đơn đặt hàng hiện không có hợp đồng nào trong tay. Cùng với một tương lai bấp bênh đó là mối lo sợ rằng hàng ngàn việc làm có thể bị mất trong vòng một vài tháng tới.
 
 Trong bối cảnh đó, Hội đồng Xuất khẩu Da Ấn Độ đã đệ trình chính phủ các biện pháp khẩn cấp như điều chỉnh các mức hoàn thuế từ mức đã được sửa đổi của năm 2007-2008, nâng giới hạn nhập khẩu miễn thuế cho các nhà sản xuất và xuất khẩu từ mức 3-5% hiện thời lên bằng doanh thu xuất khẩu FOB được thực hiện, tăng tỉ trọng đối với các sản phẩm da từ 1,25% lên 2,5% theo Kế hoạch Sản phẩm Trọng tâm và mở rộng Chương trình Thị trường Trọng điểm sang EU và Mỹ đối với các sản phẩm da vì hai thị trường này nhập 75% lượng da xuất khẩu của Ấn Độ.
 
 Hội đồng Xuất khẩu Da Ấn Độ cũng đã kiến nghị chính phủ nước này xóa bỏ hoàn toàn thuế đánh vào các sản phẩm da và giày dép như đã áp dụng đối với ngành dệt.  Để có thể khai thác tiềm năng của thị trường da giày lớn mạnh trong nước, các công ty sản xuất có tổ chức ở địa phương có thể được phép tiếp cận thị trường bán lẻ khi thuế giày dép và các sản phẩm da được dỡ bỏ, qua đó ngành da có thể sánh kịp ngành dệt .
 
Được biết, tại Ấn Độ ngành da một trong những nguồn thu ngoại hối đáng kể cho nền kinh tế và kiến  tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, đặc biệt là các khu vực nông thôn và nửa thành thị.
 

Nguồn: Lexisnexis

Nguồn: Vinanet