Giày dép xuất khẩu do Việt Nam sản xuất phần lớn đều thông qua đối tác thứ 3.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện giày dép xuất khẩu do Việt Nam sản xuất phần lớn đều thông qua đối tác thứ 3, hoạt động kinh doanh trực tiếp còn rất hạn chế và phụ thuộc nhiều vào nước ngoài về vốn, kỹ thuật, nguyên phụ liệu và thị trường. Để nâng cao tính cạnh tranh, ngành giày Việt Nam cần chủ động trong sản xuất, từ đó giành thế chủ động trong kinh doanh xuất khẩu.

Các thống kê của Cục Xúc tiến thương mại cho thấy thách thức của giày dép Việt Nam vẫn là tính cạnh tranh còn yếu so với các nước xuất khẩu giày dép trong khu vực, đặc biệt là với nước xuất khẩu giày lớn (như Trung Quốc) do thiếu khả năng tự đảm bảo vật tư nguyên liệu trong nước, điều kiện kinh tế và hạ tầng dịch vụ của Việt Nam cũng chưa theo kịp các nước. Hơn thế, các DN phần lớn sản xuất theo phương thức gia công, phía nước ngoài thực hiện tất cả những công việc từ cung cấp nguyên vật liệu (đầu vào) đến tiêu thụ sản phẩm (đầu ra), do đó phụ thuộc nhiều vào khách hàng và hiệu quả thu được thấp.

Xuất khẩu giày dép Việt Nam lại đang chịu sự tác động mạnh mẽ của xu thế chuyển dịch, sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu của các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật,…, thay đổi trong cách thức mua hàng và yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, các tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội DN… của các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu.

Những điều này đòi hỏi các DN cần chuyển dịch sản xuất từ gia công sang tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách có hệ thống.

Cụ thể, các DN phải kết nối được giữa công đoạn thiết kế và sản xuất. Có đội ngũ nhân viên đủ trình độ về mặt khai thác nguồn nguyên vật liệu, một đội ngũ nhân viên bán hàng, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp và một đội ngũ nhân viên chuyên trách việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, am hiểu về lĩnh vực tài chính đồng thời phải nâng cấp quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ và máy móc thiết bị.

Bước tiếp theo, các DN cần tạo thêm giá trị sản phẩm thông qua việc thực hiện chức năng của các công ty thương mại. Thay vì tiếp thị sản phẩm với các công ty thương mại, DN cần giới thiệu sản phẩm trực tiếp tới nhà nhập khẩu hay nhà bán lẻ có quy mô của nước ngoài.

DN cũng cần có sự sáng tạo mẫu mốt để tạo ra những sản phẩm độc đáo, hoàn thiện về thẩm mỹ, giao hàng thật nhanh tới thị trường và tổ chức tốt các dịch vụ sau bán hàng.

Thực tế hiện nay có một số DN đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tự động hóa thiết kế, các dây chuyền sản xuất thử nghiệm phục vụ công tác ra mẫu chào hàng đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng, các nhà nhập khẩu. Những DN đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực này có thể kể tới như Công ty Cổ phần giày An Lạc, Công ty Cổ phần sản xuất đầu tư giày Thái Bình, Công ty Biti’s TP.HCM…

Một số DN khác đã quan tâm xây dựng kênh phân phối trong nước, quốc tế với hệ thống dịch vụ sau bán hàng và hậu mãi hoàn chỉnh (Công ty Bita’s, Công ty Cổ phần giày Việt, Công ty TNHH một thành viên giày Thượng Đình,…).

Đáng chú ý, để hội nhập thành công và tăng sức cạnh tranh của mình thì các DN cũng cần chú trọng nhiều hơn tới phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Những công ty như Công ty Ladoda, các công ty 100% vốn nước ngoài như Tea Kwang Vina, Shyang Hung Cheng, Pou Yuen,… đã thực hiện tốt công tác này.

Nguồn: VEN

Nguồn: Vinanet