Ngày 25/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp bàn nhằm đánh giá tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nông nghiệp, nông thôn - cơn khủng hoảng đang tạo ra nhiều thách thức mới khi thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bên cạnh đó, những hạn chế nội tại của vấn đề này đang là những thách thức phải vượt qua khi thực hiện Nghị quyết quan trọng này trong năm 2009 và những năm tiếp theo.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, mặc dù ngành nông nghiệp trong năm 2008 vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng với tốc độ 3,67%, nhưng những tháng cuối năm tình hình đã trở nên hết sức khó khăn do tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và thiên tai trong nước. “

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tỏ ra lo ngại và phân vân vì trong hệ thống giải pháp ngành nông nghiệp chưa có giải pháp xử lý, chống đỡ với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong năm 2009, ngoài thiên tai, ngành nông nghiệp sẽ chịu 3 tác động rất lớn, đó là: Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do lạm phát năm 2009 được dự báo ở mức 15%; Quản lý giá nông sản chưa tốt nên chi phí trung gian rất lớn; Xuất khẩu ra bên ngoài gặp khó khăn, đặc biệt là 4 mặt hàng chủ lực: lúa gạo, cà phê, cao su và thủy sản. Xu hướng cho thấy, giá và lượng các mặt hàng này sẽ giảm mạnh, tác động rất lớn tới việc làm, thu nhập của người dân và tỷ lệ đói nghèo sẽ gia tăng.

Chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu phát triển IDS cho rằng, hiện nay, thương mại nông sản đang chiếm vị trí quan trọng trong thương mại nói chung, kể cả ở trong nước cũng như xuất khẩu. “Sau 1 năm gia nhập WTO, Việt Nam có 11 mặt hàng có khả năng cạnh tranh quốc tế, trong đó 6 mặt hàng gắn với nông nghiệp. Vì thế, không có lý do gì chúng ta không quan tâm tới thương mại nông sản”.

Tuy nhiên, trong 48 quy hoạch, đề án hiện có (để thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn), vấn đề thương mại nông sản lại chưa được quan tâm đúng mức. “Nông dân làm nhiều, sản lượng tăng nhưng lại bị thiệt hại do “được mùa thì mất giá”, hay bị các tầng nấc trung gian ép giá. Nếu cứ để như vậy thì dù nông dân có cố gắng bao nhiêu đi nữa cũng không có vị trí xứng đáng trên thị trường quốc tế” .

Tại hội nghị “Hành động vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện và bền vững” nhằm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ hồi đầu tuần trước, Bộ NN&PTNT và các nhà tài trợ đã đưa ra bàn thảo 3 nhóm vấn đề chính: Phát triển nguồn nhân lực - Quản lý sử dụng đất - An ninh lương thực, để đề ra các chiến lược và chương trình hỗ trợ cho Việt Nam. Theo nhận xét của hầu hết các nhà đại diện cho các tổ chức tài trợ quốc tế, sáng kiến về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” của Việt Nam đã vạch ra một tầm nhìn dài hạn, trong đó nhấn mạnh vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và đề cao sự bình đẳng đối với người nông dân.

Điều phối viên Vụ Nông thôn, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hà Nội cho rằng: “Tầm nhìn của Nghị quyết rất rõ, nhưng để đạt được những mục tiêu này cần phải nỗ lực hơn nữa, phải cân đối giữa cái mất và cái được. Đồng thời, Việt Nam phải giải quyết nhiều vấn đề thách thức, nhất là vấn đề tích tụ và sử dụng đất đai”. Theo đề xuất của các chuyên gia, các chủ hộ đất ở Việt Nam cần khớp nối lại với nhau để có quy mô sản xuất lớn hơn, cần tăng cường phát triển các hợp tác xã lớn, làm ăn có hiệu quả, tập trung đầu tư và hiện đại hoá hệ thống thuỷ nông.

Liên quan tới vấn đề đào tạo nhân lực, có ý kiến cho rằng, Nghị quyết lấy nông dân làm trung tâm thì đào tạo nhân lực phải là ưu tiên số 1. Tuy nhiên, nếu việc đào tạo này không gắn được với lao động, việc làm thì cũng chỉ có 5,6 triệu người đã qua đào tạo nghề, số còn lại chỉ làm theo kinh nghiệm của cha ông để lại. Với nguồn lực như vậy, chúng ta khó có thể có nền nông nghiệp hiện đại, cạnh tranh quốc tế.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, mặc dù nước ta xuất khẩu lúa gạo đứng thứ 2 thế giới và hiện vẫn đảm bảo được an ninh lương thực, nhưng có một số lượng lớn hộ nghèo đang thiếu lương thực, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu, rồi xây dựng KCN, đô thị…, cuộc sống của những hộ dân này sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Nghị quyết 26-NQ/Tư có 4 điểm mới quan trọng:

Một là, tập trung duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2009 – 2020 ở mức 3,5 - 4%/năm, tăng thu nhập bình quân của nông dân lên gấp 2,5 lần so với hiện nay;

Hai là, tiếp tục đổi mới chính sách, hình thành rõ cơ chế thị trường trong nông thôn, đặc biệt là chính sách về đất đai;

Ba là, đào tạo 1 triệu nông dân/năm;

Bốn là, đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, 5 năm sau sẽ gấp đôi so với 5 năm trước và bắt đầu thực hiện từ năm 2009.

(TNVN)

Nguồn: Vinanet