Đương nhiên, những người nghèo phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Kết quả các cuộc điều tra cho thấy người nghèo đã chi hơn một nửa các khoản chi tiêu của họ cho lương thực và tỷ lệ này sẽ còn tăng lên nữa, khiến họ phải giảm các khoản chi tiêu cơ bản khác, như nhà ở hoặc y tế.
Cuộc khủng hoảng này đang ảnh hưởng đến những tiến bộ đã đạt được trong việc giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói trong một thập kỷ qua. Ngân hàng thế giới (WB) ước tính rằng giá lương thực tăng cao sẽ nhanh chóng đẩy 100 triệu người trở lại mức nghèo trước đây.
Có một điều kỳ quặc là người nghèo không những bị ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng lương thực mà còn bị "quy trách nhiệm" gây ra tình trạng này. Ví dụ, Tổng thống Mỹ George W. Bush nói rằng khi các nước nghèo như Ấn Độ thịnh vượng, người dân ở đó "bắt đầu yêu cầu dinh dưỡng và thực phẩm tốt hơn", và nhu cầu cao lên này khiến giá lương thực tăng. Nhiều nhà chính trị, kinh tế và thậm chí các nhà báo cũng chia sẻ quan điểm này.
Nhưng theo ông Donald Mitchell, chuyên gia kinh tế phụ trách các mặt hàng nông phẩm của WB, trên thực tế chúng ta đang đổ lỗi nhầm người. Ông lập luận rằng việc người nghèo, đặc biệt ở châu Á, ăn nhiều thịt hơn không phải là nguyên nhân khiến giá lương thực, thực phẩm tăng cao. Lấy mức tiêu thụ gạo và bột mỳ làm ví dụ: từ năm 2000 đến 2007, tiêu thụ gạo toàn cầu tăng 1%/năm; tiêu thụ bột mỳ thậm chí còn tăng thấp hơn, trong khi tiêu thụ thịt tăng mạnh. Nếu đổ lỗi cho mức tiêu thụ thịt ở châu Á làm cho giá ngũ cốc tăng lên, thì nhu cầu đối với ngũ cốc phải tăng lên rất nhiều và các nước như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không phải là những nước có thừa ngũ cốc để xuất khẩu. Và như ông Mitchell nói, tốc độ tăng về nhu cầu ngũ cốc này trong 7 năm qua thấp hơn mức tăng tương ứng trong giai đoạn 1995-2000, khi giá cả thế giới ổn định và mức tiêu thụ ở châu Á chưa bùng phát. Hơn nữa, Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành các nước xuất khẩu ngũ cốc ròng trong năm 2000, mặc dù dân số của họ tăng và mức tiêu thụ thịt cũng tăng lên.
Do đó, để giải thích cho sự việc này cần phải xem trong khi tiêu thụ thịt tăng lên (chỉ số để đổ lỗi cho các nước nghèo châu Á về trách nhiệm làm cho giá lương thực lên cao), liệu nhu cầu ngũ cốc có tăng lên như vậy không? Theo ông Mitchell, đó là do kỹ thuật. Những sự đổi mới về gien động vật, dinh dưỡng và các phương pháp sản xuất đã cách mạng hóa hiệu quả sản xuất gà, lợn và bò. Ví dụ, thịt được sản xuất trên đơn vị nuôi bằng ngũ cốc đã tăng 40% ở Đông Á kể từ năm 1990. Do đó, tại sao giá quốc tế của các mặt hàng này tăng lên? Một nguyên nhân khiến giá lương thực ở các nước nghèo tăng lên là do tiêu thụ nhiên liệu tăng. Nhu cầu nhiên liệu cao hơn ở các nước nghèo đã làm tăng sức ép dẫn đến mức tăng kỷ lục về giá dầu và khí đốt. Ngược lại, giá nhiên liệu cao đẩy giá lương thực lên cao do chi phí vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp và giá phân bón tăng cao. Hơn nữa, nạn hạn hán nghiêm trọng ở Ôxtrâylia cũng làm cho giá lương thực gia tăng. Ngoài ra, giá lương thực tăng còn do nạn đầu cơ.
Trong 5 năm qua, số hợp đồng bột mỳ kỳ hạn (cam kết mua hoặc bán với khối lượng lúa mỳ trong thời hạn nào đó trong tương lai với giá định trước) đã tăng gấp 4 lần. Trong 25 năm qua, hầu hết các nước đã dần dần từ bỏ chính sách tích trữ ngũ cốc và các mặt hàng nông sản. Giờ đây các thị trường hàng hóa này đang trong tình trạng hỗn loạn, hầu hết các nước thiếu những "cái đệm quan trọng" để ngăn chặn tác động của bất kỳ sự gián đoạn đột ngột nào trong khả năng nhập khẩu ngũ cốc của họ. Những sự gián đoạn như vậy có thể gây ra nhiều nguyên nhân, một số do thiên nhiên và một số do con người gây ra. Ví dụ những thay đổi về khí hậu đã ảnh hưởng đến các chu kỳ thu hoạch và các vụ thu hoạch.
Nhưng những chất xúc tác quan trọng nhất của cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay là chính sách của các chính phủ, đặc biệt ở Mỹ, khuyến khích nông dân chuyển sang sản xuất các vụ mùa để sản xuất ethanol và các loại nhiên liệu sinh học khác. Những nghiên cứu gần đây cho thấy những quyết định này chiếm hơn 50% nguyên nhân khiến cho giá lương thực lên cao gần đây và chiếm hơn 33% nguyên nhân gây lạm phát lương thực trong thập kỷ tới. Tất nhiên, sự bùng nổ về giá lương thực không phải là hậu quả của các chính sách nhằm giúp các nông dân Mỹ, nhưng một thực tế là những hậu quả không định trước này có thể tránh được nếu các quyết định dựa trên những phân tích thị trường lương thực kỹ càng hơn là dựa vào những tính toán thiển cận về những quyền lợi đặc biệt.
Foreign Policy

Nguồn: Internet