Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia khi đánh giá về thực trạng kinh tế Mỹ hiện nay. Các chuyên gia khẳng định, thời kỳ tồi tệ nhất của nền kinh tế Mỹ có thể đã khép lại.

Kinh tế Mỹ vẫn có thể vượt lên

Đã có những tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và sẽ phục hồi. Những số liệu trong các báo cáo kinh tế gần đây trái ngược với dự báo đen tối trước đó về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Doanh số bán lẻ tháng 4 tăng 0,5% là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Mỹ đã bắt đầu nới lỏng ''hầu bao'', tăng chi tiêu.

Nhà kinh tế trưởng Josh Feinman của Deutsche Bank cho rằng, mặc dù đang hứng chịu những tác động tiêu cực của ba ''cú sốc'' lớn, đó là thị trường nhà ở suy giảm, căng thẳng tín dụng và giá năng lượng leo thang, kinh tế Mỹ vẫn có thể vượt lên với khả năng phục hồi nhanh và chính sách ứng phó tích cực, linh hoạt cùng sự tăng tốc của nền kinh tế toàn cầu.

Ông dự đoán, kinh tế Mỹ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 1,0% quý 2 và 2,0% quý 3 năm nay, sau khi chỉ tăng 0,6% ở hai quý trước đó. Theo ông, quý 4/2008, tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ hạ xuống còn 1,5%, nhưng có thể trở lại mức 2,0% trong quý đầu năm sau.

Nhà kinh tế David Malpass thuộc Ngân hàng Bear Stearns cũng tán thành quan điểm trên. Theo ông, nền kinh tế Mỹ đang dần hồi phục sau hai quý suy giảm nghiêm trọng.

Chuyên viên kinh tế Andrew Tilton của Tập đoàn Goldman Sachs cho rằng khoản hoàn thuế 107 tỷ USD của Chính phủ - một phần trong chương trình kích thích kinh tế cả gói trị giá 168 triệu USD sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, hé mở tia sáng hy vọng cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Cuối tháng 4 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu hoàn trả thuế cho người dân đợt đầu tiên. Theo đó, khoảng 116 triệu người Mỹ sẽ nhận được các tấm séc từ 300 - 1.200 USD.

Thận trọng về triển vọng lâu dài

Các nhà phân tích thị trường nhận định, trong tháng tư vừa qua, số công trình nhà ở được động thổ ở Mỹ đã tăng 8,2%, lên hơn 1 triệu công trình, là một tín hiệu vui. Thị trường lao động cũng khởi sắc với những chỉ số cao hơn dự báo, kim ngạch xuất khẩu tăng do đồng USD yếu đã góp phần củng cố tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã bắt đầu hồi phục từ giữa tháng 3 với các khoản hỗ trợ tài chính kịp thời của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Vụ ''giải cứu'' Ngân hàng đầu tư Bear Stearns, được giới tài chính coi là bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng tín dụng. Những biện pháp khẩn cấp của FED như cắt giảm tỷ lệ lãi suất, rót thêm tiền cho hệ thống tài chính đã góp phần làm giảm căng thẳng trong tín dụng...

Trong thời gian qua, thị trường tài chính Mỹ rối loạn từ sự sụp đổ của lĩnh vực nhà đất thế chấp, do vậy các ngân hàng đã thắt chặt tiêu chuẩn cho vay tới hộ gia đình và các doanh nghiệp.

Trước tình hình này, FED đã cắt giảm lãi suất và bơm một lượng tiền mặt lớn chưa từng có trong lịch sử vào hệ thống tài chính để giúp nền kinh tế khỏi rơi vào suy thoái. Nhằm giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, FED vừa tuyên bố sẽ cung cấp thêm cho hệ thống tài chính 150 tỉ USD tiền mặt để duy trì dòng tín dụng đủ kích thích kinh tế tăng trưởng.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tỏ ra khá thận trọng khi dự báo triển vọng lâu dài của nền kinh tế Mỹ. Nhà phân tích Nigel Gault của Global Insight cho rằng vẫn còn quá sớm để nhận định kinh tế Mỹ đã thoát khỏi suy thoái và hướng tới giai đoạn phục hồi. Theo ông, kinh tế Mỹ có thể đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính, nhưng những tác động của nó đối với nền kinh tế sẽ còn kéo dài. Phát biểu trước một cuộc hội thảo về thị trường tài chính ở Atlanta tuần trước, Chủ tịch FED Ben Bernanki cũng khẳng định như vậy.

Cựu Chủ tịch FED, Alan Greenspan nhận định, thời kỳ tệ hại nhất của cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ đã qua, song cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong lĩnh vực địa ốc ở Mỹ vẫn chưa có cơ may sớm chấm dứt. Một số chuyên gia phân tích cũng cảnh báo, không nên quá tin vào các số liệu, khi mà nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong vay thế chấp.

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt nam