Theo Bộ Công Thương, lượng cung nguồn lúa gạo hiện nay hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và tiêu dùng.
Bộ Công Thương cho biết  tính đến thời điểm này, chúng ta đã xuất khẩu hơn 4 triệu tấn gạo trên tổng số 6,2 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng. Trong đó, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch 7 tháng đầu năm là 79.207 tấn, còn lượng gạo xuất khẩu qua đường tiểu ngạch không thể đánh giá chính xác.
Về diễn biến của thị trường lúa gạo thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, nguồn cung lúa gạo trên thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ yếu là lúa gạo Đông Xuân chất lượng tốt nên bán được giá cao
Sang đầu tháng 7, vụ Hè Thu được thu hoạch rộ khiến nguồn cung lúa gạo tăng mạnh trong khi đó nhu cầu gạo xuất khẩu giảm nên giá lúa ĐBSCL giảm.
Đầu tháng 8, khi vụ Hè Thu đã thu hoạch xong, nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu  thu mua gạo tạm trữ  phục vụ xuất khẩu được đẩy mạnh, cùng với  những tín hiệu khả quan  từ thị trường xuất khẩu gạo nên giá lúa gạo trên thị trường ĐBSCL tăng và đặc biệt tăng mạnh trong một số ngày từ 9-11/8/2010 và sau đó chững lại và ổn định đến thời điểm hiện nay.
Về nguyên nhân chính của hiện tượng tăng giá mạnh trong thời gian đầu tháng 8, Vụ Thị trường trong nước cho rằng, do nhu cầu  thu mua gạo phục vụ xuất khẩu tăng cao khi có những thông tin khả quan cho việc xuất khẩu từ thị trường gạo châu Á, do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức thấp, có sức cạnh tranh hơn so với gạo Thái Lan, giá lúa mỳ tăng mạnh cũng khiến cho  nhiều nước châu Phi chuyển sang nhập khẩu gạo giá rẻ hơn.
Hơn nữa một số thông tin về việc Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam vì mất mùa do hạn hán, lũ lụt ở các tỉnh phía Nam của nước này đã tác động tâm lý đẩy giá lúa gạo tăng.
Đảm bảo cân đối cung cầu về lúa gạo
Theo Bộ Công Thương, lượng cung nguồn lúa gạo hiện nay hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và tiêu dùng.
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí mới đây, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm nay sản lượng lúa gạo sẽ đạt khoảng 36 triệu tấn.
Hiện nay vụ Hè Thu tại ĐBSCL đã kết thúc. Các địa phương đang gieo cấy và chăm sóc lúa Thu Đông. Ngoài lượng gạo dự trữ trong kho, từ nay đến cuối năm, tháng nào cũng có khoảng 300.000 - 500.000 ha cho thu hoạch, sẽ bổ sung lượng gạo dự trữ và đáp ứng cung cầu.
Tuy nhiên, để cân đối nguồn gạo dành cho xuất khẩu từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm chủ trì với các địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cân cân đối lại lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu.
Ngoài ra, UBND các tỉnh giáp biên cần chỉ đạo các cơ quan  hữu quan theo dõi sát diễn biến thị trường, có báo cáo kịp thời để các bộ, ngành đánh giá chính xác và có biện pháp điều hành kịp thời.
Ban chỉ đạo 127  chỉ đạo các địa phương  kịp thời nắm bắt và có các biện pháp xử lý  tình trạng buôn lậu gạo, thông tin cho các bộ, ngành hữu quan để phối hợp, đặc biệt ngăn chặn  việc đổi gạo lấy các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu chất lượng thấp theo đường biên mậu và đường buôn lậu qua biên giới.
Theo báo cáo cân đối cung cầu  gạo  của Trung Quốc mùa vụ 2010/2011 ngày 4/8/2010, Trung Quốc dư khoảng 7,4 triệu tấn gạo.
Ngày 13/8, trả lời phỏng vấn báo chí  Trung quốc  xung quanh  vấn đề giá lương thực, quan chức Vụ giá cả thuộc Ủy ban cải cách và phát triển  nhà nước Trung Quốc cho biết, do nhiều năm được mùa  nên tỷ lệ dự trữ lương thực trong kho  đạt trên 40%, cao hơn nhiều so với mức an toàn 17-18% mà quốc tế công nhận. Vì vậy hiện sản lượng và nhu cầu  đối với thóc gạo của Trung Quốc  cơ bản cân bằng.

Nguồn: Tin nhanh hàng ngày