Dựa trên tốc độ nhập khẩu thịt 5 tháng đầu năm, Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, lượng thịt nhập về năm nay sẽ thấp hơn con số 83.000 tấn trong năm 2010.

Bên lề hội nghị giới thiệu triển lãm chăn nuôi Ildex 2012, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam mới nhập khẩu khoảng 30.000 tấn thịt, chủ yếu là thịt gà dưới dạng đùi, cánh, số ít thịt trân bò và thịt heo dưới hình thức thịt vụn, nội tạng…

Theo ông Giao, lượng thịt nhập khẩu này giảm so với cùng kỳ năm ngoái và với tốc độ này, lượng thịt nhập khẩu về các cảng từ nay đến cuối năm sẽ giảm so với tổng lượng thịt nhập khẩu trên 83.000 tấn trong năm 2010. Một lý do khiến lượng thịt nhập khẩu bị giảm là nguồn cung trong nước dồi dào hơn vì người chăn nuôi tập trung tái đàn sau dịch bệnh năm trước.

Theo tính toán của Cục, năm nay cả nước sẽ sản xuất 4,3 triệu tấn thịt heo hơi, lượng thịt nhập khẩu trên chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể, từ 3 đến 5%, do vậy rất khó ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước.

Ông cũng bác bỏ thông tin trước đó về việc Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn kiến nghị không cho nhập thịt.

Tuy nhiên, thịt nhập ngoài “gánh nặng” giấy phép nhập khẩu tự động thì gần đây cũng nằm trong các nhóm hàng hoá nhập khẩu được đưa vào diện quản lý chặt nhằm hạn chế nhập siêu.

Tháng trước Tổng cục Hải quan đã đưa thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu vào danh mục quản lý rủi ro về giá, theo đó, mức giá của các lô hàng nhập đều phải qua so sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá khai báo của doanh nghiệp, xác định dấu hiệu nghi vấn và thực hiện tham vấn giá.

Còn theo thông tư số 21/2011/TT-BCT, Bộ Công thương quy định thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh phải ký quỹ dự phòng để bảo đảm xử lý vệ sinh, môi trường và hàng tồn đọng quá hạn không tái xuất được, với số tiền lên đến 2 tỉ đồng mỗi thương nhân.

(TBKT)

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt nam