Trong đó, các thị trường cung cấp thuốc tân dược chính có Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore và Thuỵ Sĩ… với trị giá nhập khẩu đạt cao chiếm đến 54% tổng kim ngạch nhập khẩu thuốc của cả nước.
Đáng chú ý, nhập khẩu thuốc thành phẩm từ một số thị trường có xu hướng tăng mạnh như Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc và Hoa Kỳ… đây cũng là những thị trường đang có ngành công nghiệp dược phát triển mạnh mẽ, nhóm thị trường này đều có mức tăng trưởng trên 30% về trị giá so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh nhóm thị trường có mức tăng trưởng mạnh thì trị giá nhập khẩu thuốc từ Malaysia, Bỉ, Canada, Đan Mạch lại giảm.
Từ đầu năm đến nay, thị trường thuốc tân dược có nhiều sự chuyển biến linh hoạt trong việc nhập khẩu từ các thị trường. Đáng kể là nhập khẩu từ khối khu vực thuộc các nước EU, trị giá nhập khẩu tăng liên tục. Nếu năm 2007, trị giá nhập khẩu trung bình từ EU chỉ chiếm khoảng 40%/tháng thì hiện nay mức trung bình đạt 42,4%/tháng. Do kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường thuộc khu vực này hầu hết đều tăng khá, chỉ có duy nhất 2 thị trường có trị giá nhập khẩu giảm là Bỉ và Đan Mạch. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2008, kim ngạch nhập khẩu thuốc tân dược từ EU đạt 259,7 triệu USD, so cùng kỳ năm trước tăng 26,1%.
9 tháng đầu năm 2008, trong 10 thị trường cung cấp tân dược đạt kim ngạch cao nhất vào Việt Nam, nhập khẩu từ thị trường Pháp đạt kim ngạch với 117,9 triệu USD, tăng 23,63% so cùng kỳ năm ngoái. Trong các năm gần đây, thuốc thành phẩm nhập khẩu từ Pháp luôn chiếm lĩnh thị trường dược phẩm nước ta, hiện trên thị trường có trên 30% là các loại tân dược nhập khẩu từ Pháp. Ưu điểm nổi trội của thị trường này là chất lượng thuốc ổn định, ít bị làm giả, tuy giá thành cao hơn so với thuốc nội nhưng nếu so sánh với các loại thuốc có xuất xứ từ Thuỵ Sĩ, Hàn Quốc… thì giá thuốc của Pháp hợp lý hơn do tỉ lệ chênh lệch giữa giá nhập khẩu, giá bán buôn và giá bán lẻ không có sự chênh lệch cao.
Các năm gần đây tăng trưởng kinh tế cũng đưa Ấn Độ trở thành một trong các thị trường dược phẩm chủ yếu có tầm quan trọng trên thế giới. Nước này đang trở thành đối thủ cạnh tranh với nhiều thị trường khác. Riêng trị giá cung cấp thuốc vào nước ta cũng lên đến 79,3 triệu USD, tăng 27,5% so cùng kỳ năm trước.
Nhóm thị trường tiếp theo như Hàn Quốc, Singapore, Thuỵ Sĩ, CHLB Đức… trị gía  nhập khẩu gần đây rất ổn  định và có khả năng các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều hơn tới nhóm thị trường này trong thời gian tới.
Nhìn chung những thị trường lớn như Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc vẫn giữ được kim ngạch nhập khẩu cao trong tháng và tăng cao so cùng kỳ năm 2007. Dự báo, kim ngạch nhập khẩu tân dược trong thời gian tới tiếp tục tăng.
Về cơ cấu sản phẩm, nhóm thuốc được nhập khẩu với số lượng lớn và đạt trị giá cao trong 9 tháng qua tiếp tục là nhóm thuốc kháng sinh, thuốc chuyển hoá dinh dưỡng, nhóm thuốc tim mạch và thuốc tiêu hoá… Kim ngạch nhập khẩu mỗi nhóm hàng này đều đạt khá cao trên 45 triệu USD, trong đó thuốc chuyển hoá dinh dưỡng và tim mạch tăng mạnh về trị giá so cùng kỳ năm trước còn trị giá nhập khẩu nhóm khngs sinh thì giảm nhẹ, trong khi trị giá nhập khẩu nhóm thuốc tiêu hoá tăng không đáng kể. Như vậy, trong 10 nhóm hàng được nhập về nhiều nhất từ đầu năm đến nay cho thấy xu hướng nhập khẩu thuốc kháng sinh, tiêu hoá, chống viêm giảm đau, hạ nhiệt có chiều hướng giảm dần, trong khi nhập khẩu thuốc vắc xin, ung thư, phụ sản… có xu hướng tăng.
(TTTMVN)

Nguồn: Vinanet